Thanh toán thẻ khu vực công cần thêm thời gian
Các Website khác - 24/03/2006

Mục tiêu của VN là đến năm 2010, hầu hết các khoản chi tiêu từ ngân sách hay giao dịch thanh toán định kỳ công cộng được thực hiện qua tài khoản. Chủ trương là vậy nhưng theo các chuyên gia, thành công hay không phải chờ thời gian kiểm chứng.

Thẻ thanh toán vẫn chưa thịnh hành ở VN.(krungsri.com)

Phát biểu tại hội thảo "Thanh toán thẻ không dùng tiền mặt trong khu vực chính phủ" sáng nay, ông Dennis Ng. - Giám đốc Dịch vụ Chính phủ khu vực châu Á Thái Bình Dương của tập đoàn Visa International cho rằng, hoạt động mua bán giá trị thấp thường chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng chi tiêu của các chính phủ. Ở không ít quốc gia, chính những khoản chi này đôi khi là nguồn gốc của nhiều tiêu cực, thất thoát nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhận thức được vấn đề này, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình thanh toán bằng thẻ mua hàng ở khu vực chính phủ và đã thành công, chẳng hạn như Mỹ, Hàn Quốc và Anh.

Để minh chứng cụ thể cho nhận định của mình, ông Dennis Ng. lấy ví dụ, năm 1997 nước Anh bắt đầu áp dụng thẻ mua hàng tại 6 cơ quan chính phủ. Con số này giờ đã lên tới 420 cơ quan với 62.000 người sử dụng. Hiện nay chính phủ Anh chi tiêu khoảng 1 tỷ bảng Anh qua thẻ mua hàng. Hình thức này đã giúp Anh giảm thiểu các công việc giấy tờ, giảm các khoản tiền tiêu vặt, tăng cường khả năng kiểm soát chi tiêu.

Trong năm 2004, chính phủ Anh tiết kiệm được gần 64,9 triệu bảng Anh, và 23 triệu tờ giấy - tương đương với 2.015 cây gỗ nguyên liệu. Tuy nhiên, mua bán bằng thẻ mua hàng hiện nay mới chỉ chiếm 0,1% tổng chi tiêu của Chính phủ Anh. Họ dự tính tăng con số này lên 5% trong thời gian tới.

Ở VN, theo ông Bùi Quang Tiên, Trưởng phòng Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, mặc dù tốc độ tăng trưởng số lượng thẻ bình quân trong vài năm gần đây là 300%, lượng tiền mặt sử dụng trong thanh toán hiện vẫn ở mức 18-20%. Trong khu vực chính phủ, trên 90% lương của cán bộ công chức và người lao động được trả bằng tiền mặt.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, chính phủ đã có chủ trương và định hướng về việc sử dụng thẻ mua hàng (còn gọi là thẻ thương mại) tại một số cơ quan Nhà nước. Theo ông, nếu các khoản chi tiêu của chính phủ được thực hiện thông qua thẻ mua hàng, các khoản chi tiêu không lành mạnh và thiếu minh bạch sẽ giảm xuống đồng thời hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước sẽ được nâng lên.

Tuy nhiên ông Tiến nhận định: "Chắc chắn trong quá trình thực hiện sẽ có cản trở, bởi nó có thể đụng chạm tới lợi ích của một vài cá nhân không muốn đổi mới hoặc có tư tưởng cục bộ địa phương. Tuy nhiên, nếu chính phủ quyết tâm và có sự phối hợp của các bộ, ngành thì chắc chắn sẽ thành công", ông Tiến nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương VN cho rằng, việc sử dụng thẻ thương mại trong các khoản chi tiêu của chính phủ đòi hỏi sự tích cực tham gia của nhiều bộ ngành. "Chẳng hạn, có rất nhiều luật liên quan đến mua bán như đấu thầu, quy định kế toán, chứng từ... Muốn thay đổi được điều đó đỏi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan. Đây lại là vấn đề mới chỉ được khơi lên ở VN nên việc thành công hay không đòi hỏi phải có thời gian để kiểm chứng", bà Hà nói thêm.

Trao đổi với VnExpress, ông Michael Cannon cũng cho rằng, khó khăn trong việc áp dụng thẻ thương mại tại các cơ quan chính phủ là khó tránh khỏi, song ông tin là sẽ thành công. "Trước đây việc áp dụng ở Anh cũng gặp khó khăn. Thế nhưng thực tế là giờ đây họ đã trở thành một ví dụ thành công rồi. Tôi tin rằng, với chủ trương tích cực hội nhập của chính phủ, VN sẽ làm được", ông nói thêm.

Ông Michael Cannon cũng cho biết, Visa muốn tiến hành thí điểm việc sử dụng thẻ thương mại tại một cơ quan chính phủ cụ thể - được chỉ định - của VN trong thời gian 12 tháng. Sau đó, nếu mô hình này thành công và được Chính phủ VN công nhận thì họ sẽ nhân rộng ra nhiều cơ quan khác.

Theo ông Bùi Quang Tiên, Trưởng ban Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu của VN là đến năm 2010, sẽ giảm lượng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán xuống còn khoảng 15%. Hầu hết các khoản chi tiêu từ ngân sách, các giao dịch thanh toán định kỳ công cộng được thực hiện qua tài khoản.

Hà Vy