Cán bộ thanh tra phải đứng ngoài tiêu cực
Các Website khác - 21/11/2005

Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở, thời gian qua một số cán bộ thanh tra không giữ nổi mình trước cám dỗ vật chất. Tuy đây chỉ là số ít, nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành thanh tra.

Sáng nay, tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống thanh tra Việt Nam, Phó thủ tướng nhấn mạnh: "Để hoàn thành nhiệm vụ, mỗi công chức của thanh tra phải là những cán bộ tiêu biểu không tiêu cực, tham nhũng". Từ một số vụ việc bị phát hiện gần đây, Phó thủ tướng cho rằng, ngành thanh tra cần rút ra bài học, chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ. "Nhất là cán bộ tham gia thanh tra tại các địa phương, đơn vị", ông Nguyễn Tấn Dũng nói.

Theo dòng sự kiện:
Sẽ mở rộng điều tra đến thành viên đoàn thanh tra dầu khí (21/10)
Chúng ta đừng sợ mất cán bộ (21/10)
Chống tiêu cực, phải chấp nhận có cán bộ bị 'bắn thủng' (21/10)
Xem tiếp»

Tổng thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh đánh giá: "Trên mặt trận đấu tranh chống tiêu cực, chúng ta đã mất đi những cán bộ không qua được sự cám dỗ vật chất, trong sự khốc liệt của kinh tế thị trường". Ông Thanh khẳng định, ngành thanh tra sẽ phấn đấu làm tốt công tác đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ.

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Ban thanh tra đặc biệt, với nhiệm vụ củng cố chính quyền, bảo vệ chính trị, chống nội phản. Trong kháng chiến chống Pháp, Ban được giao thi hành chính sách, chủ trương của chính phủ, thanh tra các uỷ viên uỷ ban kháng chiến hành chính và viên chức hành chính về phương diện liêm khiết. Thanh tra được đánh giá là một công tác quan trọng trong toàn bộ công tác quản lý của bộ máy nhà nước.

Anh Thư