Đề nghị bác kháng cáo, thu thêm 8,4 tỷ của Hà Kiều Anh
Các Website khác - 23/03/2006
Hà Kiều Anh trong một phiên xét xử vụ Đông Nam. Ảnh: Đ.X.

Luận tội trong phiên xử phúc thẩm vụ buôn lậu tại Công ty Đông Nam, sáng nay, đại diện VKSND Tối cao đã đề nghị tuyên bác toàn bộ kháng cáo của Hà Kiều Anh. Đồng thời, Viện còn đề nghị HĐXX buộc hoa hậu này phải nộp lại trên 8,4 tỷ đồng, sung công quỹ nhà nước.

Theo quan điểm của Viện, căn cứ vào lời khai của một số nhân chứng và nhiều chứng cứ khác cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến 10/10/2002, Nguyễn Gia Thiều đã 5 lần cho nhân viên Công ty Đông Nam mang tiền đi nộp vào tài khoản của Hà Kiều Anh tại Ngân hàng Techcombank với tổng số tiền trên 8,4 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn và hiện tại Kiều Anh cũng đã rút hết sử dụng riêng. Nhưng trong quá trình điều tra, Hà Kiều Anh không xuất trình được tài liệu chứng minh khoản tiền này là của mình. VKS cho rằng, đây là khoản tiền của Thiều có được từ hành vi phạm pháp nên đề nghị tuyên buộc Hà Kiều Anh phải nộp lại số tiền trên.

Bên cạnh đó, VKS cũng đề nghị bác kháng cáo xin lại 200.000 USD và 10 triệu đồng đã bị công an thu giữ khi khám xét nhà của Hà Kiều Anh. VKS nhận định, quá trình thẩm vấn tại tòa cho thấy, Hà Kiều Anh không biết mã số két sắt đựng số tiền trên mà phải gọi điện cho Thiều để xin mã số mở két. Lập luận của Hà Kiều Anh cho rằng do lúc công an khám xét, tâm trí hoảng loạn nên không nhớ, trong khi Thiều không phải là chủ nhân của chiếc két, cũng đang bị dẫn giải, khám xét lại có thể nhớ mã số két của người khác là điều rất vô lý. Hơn nữa, lời khai của Hà Kiều Anh về nguồn gốc của khoản tiền trên luôn bất nhất, mâu thuẫn nhau, lúc bảo là tiền đặt cọc nhà, lúc bảo tiền vay... Vì vậy, VKS cho rằng, Hà Kiều Anh không phải là chủ két sắt, khoản tiền trên là của Nguyễn Gia Thiều, án sơ thẩm nhận định đúng nên cần tiếp tục giữ để thi hành án.

Đối với khoản tiền 23.000 USD, Hà Kiều Anh xin lại vì cho rằng mình đã đưa tiền cho Thiều mua chiếc xe Mercedes và để công ty Đông Nam đứng tên, VKS cũng bác bỏ. Theo Viện, Hà Kiều Anh kháng cáo phần này tại phiên phúc thẩm là đã quá hạn theo luật định, cấp sơ thẩm cũng không có yêu cầu nên không có cơ sở để xem xét.

Đối với kháng cáo của 16 bị cáo trong vụ án, VKS chỉ đề nghị chấp nhận giảm án cho hai bị cáo gồm: Phạm Anh Vũ, giám đốc Công ty Thiên Anh, từ 9 năm tù xuống còn 7 đến 8 năm về tội buôn lậu, buộc bị cáo phải nộp lại trên 1,7 tỷ đồng tiền trốn thuế; bị cáo Nguyễn Đình Hiếu, nhân viên Chi cục Hải quan Bưu điện Hà Nội, từ 3 năm tù giam xuống còn 3 năm tù treo.

VKS nhận định, đây là vụ án buôn lậu, trốn thuế mà giá trị hàng phạm pháp đặc biệt lớn. Nguyễn Gia Thiều đã tổ chức hình thành đường dây mua bán điện thoại như lập nhiều công ty, cửa hành trực thuộc hoặc liên kết bên trong... nhập lậu trên 39.000 chiếc điện thoại di động bằng nhiều hình thức như gửi bưu điện, gửi phi công, tiếp viên... có tổng trị giá gần 149 tỷ đồng.

Hơn nữa, với danh nghĩa Đông Nam Việt Nam, Nguyễn Gia Thiều đã ký hợp đồng với Đông Nam Hong Kong để mua hàng tuồn lậu vào trong nước, bán trốn thuế gần 100 tỷ đồng bằng cách khai thấp giá trị hàng hóa so với thực tế, không báo cáo thuế, lập 2 hệ thống sổ sách kế toán... Bị cáo Thiều đóng vai trò chủ mưu, các bị cáo khác dù ít hay nhiều đã giúp sức tích cực cho Thiều trong quá trình phạm tội. Bản án sơ thẩm đã quy kết hành vi phạm tội của các bị cáo là phù hợp, có căn cứ. Do vậy, VKS đã đề nghị bác kháng cáo của 14 bị cáo, tuyên y án sơ thẩm.

N.H.