Đừng ngồi nhặt thóc
Các Website khác - 19/11/2005

SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Đừng ngồi nhặt thóc

Lưu Quang

Lập một rào cản cái mà mình không quản được !" - trong phiên thảo luận về dự án Luật Công nghệ thông tin (CNTT) diễn ra cách đây mấy ngày, một vị đại biểu Quốc hội đã bình luận như vậy về Điều 23 trong dự thảo luật (Điều 23 quy định: Tổ chức, cá nhân phải đăng ký khi thiết lập website, trình tự, thủ tục thiết lập website sẽ do Chính phủ quy định). Các vị đại biểu Quốc hội vốn rất giữ gìn, cân nhắc trong lời ăn tiếng nói, phải dùng đến từ "rào cản" cũng có nghĩa là họ cảm thấy bất bình lắm lắm.

Website - trang thông tin điện tử - là một thành tựu nổi bật của Internet nói riêng và CNTT nói chung. Nhờ có website mà bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể tự giới thiệu về mình, tìm hiểu về các tổ chức cá nhân khác, giao lưu, học hỏi, buôn bán... với toàn thế giới. Ở các nước phát triển, việc lập website đơn giản như ra chợ mua đồ, đến một bà hàng xén, hay một học sinh phổ thông cũng có thể có website, nếu muốn. Số lượng các website trên thế giới hầu như không thể đếm được, bởi nó sinh ra mỗi ngày.

Ở VN ta, tuy Internet mới chỉ phát triển mươi năm trở lại đây, nhưng website cũng đã kịp trở thành một sản phẩm hết sức thân thuộc với mọi nhà, mọi giới. Theo Tổ chức Internet VN, chỉ riêng các website tiếng Việt hiện nay đã lên tới 17.000 - 18.000. Con số này chắc chắn sẽ còn lớn lên rất nhanh, bởi VN đã có tới 8 triệu người sử dụng Internet, và công nghiệp Internet ở VN đang có tốc độ tăng trưởng vào loại vô địch thế giới (khoảng 100%/năm).

Rõ ràng yêu cầu ai muốn lập website phải đăng ký là một quy định bất khả thi. Bởi không cơ quan quản lý nào có thể đủ sức xét duyệt, kiểm tra tất cả các đơn đăng ký. Hơn nữa, nếu thủ tục phiền hà, khách hàng có thể lập website thông qua các máy chủ miễn phí (hosting free) vốn tồn tại rất nhiều trên thế giới. Như vậy, quy định chặt đến đâu cũng chẳng có ý nghĩa gì, nếu không muốn nói là phản tác dụng. Chẳng khác gì trộn lẫn thóc vào với gạo rồi bắt ngồi đếm, ngồi nhặt.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của kinh tế tri thức, của CNTT. Những đặc thù và sự phát triển như vũ bão của CNTT đòi hỏi ở chúng ta một tư duy quản lý hoàn toàn mới mẻ, thông thoáng, nắm cái gốc của vấn đề chứ đừng chạy theo những chi tiết kỹ thuật, vừa cũ kỹ vừa không khả thi. Tiếc rằng trong một số lĩnh vực cụ thể liên quan đến CNTT gần đây (như quy định đối với các đại lý Internet, game online, lập tên miền, bức tường lửa...), chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước đã tỏ ra lúng túng, lạc hậu, không tuân thủ triệt để nguyên tắc chủ đạo mà Nghị quyết 58 Bộ Chính trị về CNTT đã vạch ra: "Phát triển đến đâu thì quản lý nhà nước phải thay đổi theo đến đó", thay vì "quản được đến đâu mở đến đó" như trước kia.

Trong câu chuyện cổ tích ngày xưa, mẹ con cô Cám trộn lẫn thóc vào gạo bắt cô Tấm ngồi nhặt, cốt để không kịp giờ đến dự hội. Còn giờ đây, không hiểu cứ bắt nhau ngồi nhặt thóc để làm gì?
".