Chỉ trong mấy ngày qua, con sông Hồng hung dữ đã “nuốt” 15 ngôi nhà cùng vườn tược của bà con thôn Vân Sa (xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây). Không chỉ vậy, hơn 200 hộ dân khác cũng "thấp thỏm" trước nguy cơ bị cuốn trôi theo dòng nước.
Nỗi đau mất nhà cửa
Gần tuần nay, bà Nguyễn Thị Lợi (cụm 18) vẫn mơ thấy mình bị trôi ra giữa dòng sông cùng căn nhà ngói 3 gian trong giấc ngủ mệt mỏi. Ngày 24/12, khi bà đang trông hai đứa cháu trong nhà thì bất thình lình đất dưới chân chuyển động, đồ đạc loảng xoảng, cây cối nghiêng ngả. Vừa kịp đưa hai đứa trẻ ra khỏi nhà thì dòng nước sôi sục dưới chân đã cuốn phăng hai gian bếp và mảnh vườn ra giữa dòng. Nửa ngôi nhà cũng trôi nghiêng ra sông, nửa còn lại nằm chênh vênh bên bờ vực. Bà đã nhờ bà con láng giềng chạy đồ còn lại trong nhà và dỡ gạch ngói còn sót lại.
![]() |
Những vết khoét sâu 20-30 m vào đất liền. Ảnh: Anh Tuấn |
Ông Nguyễn Văn Oánh, hàng xóm của bà Lợi, cũng chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh chạy suýt bị cuốn trôi. Khi ông và mấy người thanh niên cố vớt vát gỡ mảnh tường, mái ngói của một nhà bên cạnh thì bức tường đó đổ sập, trôi tuột xuống sông. May ông kịp nhảy ra khỏi điểm sạt nên giữ được tính mạng trong gang tấc.
Dòng chảy khác lại xói vào cụm 17 lúc trời tối khiến các hộ dân ở đây không kịp trở tay. Ông Phạm Ngọc Dung, cụm 17 cho hay, đang đêm thì nhà rung chuyển như động đất, ngói rơi ào ào. Cả gia đình ông hét nhau vừa chạy ra khỏi nhà thì toàn bộ ngôi nhà, bếp đổ ập theo dòng nước. Nước ngàu bọt trắng xoá cuốn phăng cả 7 búi tre già sát nhà. Ông Dung rơm rớm, chúng tôi đã mất toàn bộ nhà cửa, giá trị chỉ vài chục triệu song là toàn bộ tài sản của gia đình.
Theo ghi nhận của VnExpress, dòng sông hung dữ đã khoét sâu vào bên trong bờ sông tới 50 m, trải dài dọc thôn Vân Sa, kéo phăng cây cối, vườn tược, nhà cửa của 15 hộ dân. Mà trước đó, những nhà dân còn ở cách mép nước tới 20 m. Những xác nhà nham nhở sát bờ sông đã được người dân tháo dỡ, tận dụng vật liệu.
Dòng chảy còn để lại những khe nứt hoác trên nền đất, tường nhà của những hộ bên trong. Hằng ngày, chúng phá vào đất liền thêm 0,5-1 m khiến người dân rất lo lắng. Ông Lê Doãn Nam, Bí thư chi bộ cụm 18, cho hay, tâm trạng người dân sống trong khu vực này rất bất ổn. Nhiều người ban đêm không dám ngủ trong nhà mà lang thang, tụ tập bên ngoài để đề phòng. Theo ông Nam, chính quyền cần có biện pháp kè tạm để ngăn sạt lở tiếp vào bên trong đất liền. Với những hộ đã di dời thì cần cấp đất tái định cư và hỗ trợ kinh phí để người dân xây dựng nhà.
![]() |
Sống chung với sạt lở. Ảnh: Anh Tuấn |
Thống kê ban đầu của UBND xã Tản Hồng, có tới 185 hộ thuộc thôn Vân Sa và hơn 70 hộ thuộc thôn La Thiện ở ven sông nằm trong diện nguy hiểm. Những gia đình này đều bị nứt nhà, sân do dòng nước đã đục rỗng bên dưới, chỉ chờ thời điểm cuốn ra sông.
Tuy nhiên, người dân ở đây không muốn di dời sớm bởi đã có thông tin truyền miệng rằng, chỉ những hộ phải còn nguyên trạng nhà cửa mới được đền bù theo dự án kè sông sau này. Còn những hộ di dời do sạt lở chỉ được nhận hỗ trợ. Một người dân cho biết, mặc dù rất lo lắng cho tính mạng song họ vẫn cố giữ nhà cho đến khi không giữ được mới thôi.
Hỗ trợ người dân chưa kịp thời
Hộ ông Dung có 5 người thì 4 người đến tá túc nhà người chú hộ, bà mẹ già 80 tuổi thì ở nhờ ông anh. "Mấy hôm nay ai cũng buồn bực, chán nản, chẳng có lòng dạ nào để chuẩn bị Tết. Năm nay chắc là mất Tết", ông Dung thở dài. Tài sản còn lại duy nhất của gia đình ông là cái nhà ngang rộng chưa đầy 3 m2, cái sân con đã bị nứt toác nhiều chỗ chỉ chực lao ra sông. Tuy vậy, ông đảo qua hằng ngày xem cái sân còn hay mất.
Mất nhà, gia đình bà Lợi tạm tá túc nhờ nhà ông anh họ. Ngân ngấn nước mắt, bà cho hay, hai ông bà già ngoài 60 tuổi cứ thay nhau lăn ra ốm. "Thế là công sức làm ăn bao năm giờ đã bị trôi ra sông hết. Không có đủ tiền sắm nồi bánh trưng cho các cháu hay không, chỉ còn trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước”, bà Lợi than vãn.
![]() |
Những vết nứt xuất hiện hằng ngày, đe doạ đời sống bà con. Ảnh: Anh Tuấn |
Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền địa phương mới xuống thăm hỏi mà chưa có nguồn hỗ trợ, tiếp tế cho dân. Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Sáng Tác, Phó chủ tịch UBND xã, do ngân sách xã eo hẹp nên không có tiền để hỗ trợ cho dân. Mặc dù vậy, xã đã kiến nghị huyện Ba Vì hỗ trợ cho dân 1 triệu đồng/người từ nay đến Tết nguyên đán. Ngoài ra, xã đang kêu gọi nhân dân quyên góp giúp đỡ những gia đình gặp nạn.
Việc di chuyển dân đến nơi ở mới cũng đã tính đến. UBND xã đã quy hoạch diện tích đất tại thôn Vân Sa đủ để tái định cư cho dân. Tuy nhiên, đây là đất nông nghiệp nên phải chờ HĐND xã cho phép chuyển đổi sang đất thổ cư.
Tuy nhiên, mối lo ngại nhất của UBND xã là phòng ngừa sát lở sau này. Ông Tác cho rằng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần nhanh chóng lập dự án xây kè sông Hông đoạn qua thôn Vân Sa. Bởi theo ông Tác, chính bởi do chậm xây kè tại khu vực này thời gian qua, trong khi các thôn lân cận được kè dài hơn 1km như La Thượng, La Phẩm, khiến con sông hung dữ đã xoáy vào đoạn giữa của điểm dân cư chưa được bảo vệ.
"Nếu không có biện pháp khẩn cấp thì hàng trăm hộ dân nơi đây sẽ bị xoá sổ khi mùa nước lên. Với những hộ dân chịu cảnh sạt lở hay phải di dời đều cần cơ quan làm kè đền bù và hỗ trợ", ông Tác nói.
Đoàn Loan
▪ Tự bảo quản đồng hồ nước? (06/01/2006)
▪ Nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri (06/01/2006)
▪ Ðối thoại với Ðại biểu Quốc hội - Giám đốc Công ty than Cao Sơn (06/01/2006)
▪ Ðổi mới công tác tiếp công dân (06/01/2006)
▪ Ðoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội bước vào thời kỳ mới (06/01/2006)
▪ Một số tư liệu về quốc hội 60 năm qua (*) (06/01/2006)
▪ Nhộn nhịp tour du xuân (06/01/2006)
▪ TP HCM họp mặt tất niên kiều bào (06/01/2006)
▪ Mưa rét ở miền Bắc, nắng ấm ở miền Nam (06/01/2006)
▪ “Cao bồi” làng (06/01/2006)