Muôn chuyện dại... tình
Các Website khác - 18/10/2007
Thế nào, thằng khốn. Mày hại đời em gái tao vậy mà còn định chạy làng. Tội ở đâu phạt ở chỗ đó, mày muốn làm thái giám hả?
Nửa tháng nay nhà chị Đào như có đám. Trước kia buổi tối chị hay la cà sang hàng xóm chơi, ngày nghỉ cuối tuần thường sang thăm bên nội bên ngoại. Vậy mà giờ đi làm về chị đóng kín cửa, ai bấm chuông chị phải cẩn thận he hé nhìn qua khe cửa mới dám mở. Mặt mũi lúc nào cũng căng thẳng lo lắng. Ấy là bởi một tai hoạ bất ngờ giáng xuống gia đình khiến chị rối như gà mắc tóc.

Chị Đào có một gia cảnh khiến nhiều người ao ước: chồng chị đang công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài, thu nhập cao lắm, dịp hè còn cho cả gia đình đi du lịch châu Âu. Nhà xây ba tầng trên mảnh đất 120m2 có sân vườn, đường ô tô. Hai đứa con một giai một gái, thằng lớn đang là sinh viên đại học năm thứ ba. Cuộc sống đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần, đời tưởng như không còn gì hơn. Ấy mà rồi xảy đến một chuyện.

Khối đàn ông "dại" với những cô nàng này

“Thiếu gia” nhà chị Đào tuổi mới lớn, lại được mẹ cung cấp nhiều tiền, một buổi nổi hứng đi chơi cave. Làm đàn ông, cái sự “hư hỏng” nho nhỏ này cũng không có gì đáng trách lắm, mười anh có tiền thì phân nửa anh đi chơi gái. Có điều chú chàng này dại, mới buổi đầu tiên đã chết mê chết mệt ả cave, rồi từ đó chú cặp miết với ả. Ả này tuổi còn non nhưng đã già dặn tình trường lắm, nghe nói ra nhập “làng bướm” từ năm 14 tuổi, và đã không dưới hai chục lần bán…trinh. Ả móc của chú gà tồ con chị Đào khá nhiều tiền, trong vòng tay ả, thằng ngốc này còn khai địa chỉ nhà và tâm sự cả những chuyện gỉ gì nữa. Biết được chú này con giai một, nhà giàu lại hiền lành lương thiện, ả cave lập kế ăn vạ, bắt chú phải… cưới làm vợ.

Ả để bụng phưỡn ra, thuê một thằng ma cô làm nghề bảo kê nhà hàng đóng giả anh trai gặp “thiếu gia” nói chuyện. Rằng mày ngủ với nó có chửa, mày phải có trách nhiệm, mày định hại đời em gái tao à… ối giời ơi, cave một ngày nó tiếp bao người, biết nó chửa với ai. Vả lại con nhà giàu, gia giáo mà đi lấy một con cave, có họa điên. Chú chàng chối đây đẩy nhưng hai cái tát nảy đom đóm mắt cùng câu cảnh cáo: không cưới nó thì tao sẽ biến mày thành… thái giám khiến cu cậu quýnh lên về khóc với mẹ. Chị Đào còn chưa biết tính sao thì mấy ngày sau ả cave và thằng ma cô đã “đến thăm” nhà chị. Bọn chúng doạ rằng nếu con chị mà không cưới thì ngày nào chúng cũng đến làm om sòm trước cửa cho xấu mặt với hàng xóm. Thật là khóc dở mếu dở.

Chị Đào điện cho chồng, rồi họp anh chị em lại tìm cách giải quyết. Đánh nhau thì không được vì như thế là phạm pháp, vả lại họ hàng toàn người lương thiện cả, ai dám. Lấy dĩ nhiên là không rồi. Cuối cùng cả họ bàn nên gặp ả cave đó, bồi thường cho nó ít tiền bảo nó buông tha con mình ra. Bọn chúng đòi một cái giá cắt cổ: ba trăm triệu đồng, sau thương lượng mãi xuống còn một nửa. Một bài học vô cùng đắt giá cho chàng trai trẻ mới tập tễnh vào đời.

Dẫu sao cậu chàng gà tồ này còn thấm bài học chứ có những người còn dại đến nỗi mụ mị, hắt hủi cả vợ con. Đó là trường hợp của một anh chàng tên là Hưng, bác sỹ hẳn hoi, tuổi đã “đầu bốn”, vợ con đề huề. Hưng bỏ việc ở trạm y tế huyện để lên Hà Nội làm cho một cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Lần ấy Hưng chữa bệnh cho một ả cave, chả biết nó mồi chài thế nào mà anh chàng Hưng mê tít, anh ả góp tiền mua nhà ở chung như vợ chồng, làm được đồng nào Hưng đưa nó tất. Cả năm Hưng không thèm về quê, bỏ mặc vợ con không chu cấp. Vợ ra khuyên bảo, Hưng quầy quậy đuổi về. Ả cave kia còn chống nạnh xỉa xói vợ Hưng rằng: “Đồ nhà quê không biết giữ chồng”. Vợ Hưng tức quá, ốm cả tháng. Chị thề độc rằng từ nay không cho lũ con nhận bố nữa. Mấy đứa con Hưng cũng hận bố lắm. Thằng lớn năm nay đỗ Đại học, nó không thèm báo cho bố biết, một mình ra Hà Nội thuê nhà trọ.

Hưng cặp với ả cave kia một thời gian thì tòi ra được đứa con, về danh nghĩa nhận Hưng là bố chứ giời mà biết đứa bé con ai bởi ả này còn mấy mối khách “ruột” vẫn thường xuyên “đi lại” (nghe nói Hưng chỉ được tí “tráng men”). Một mình Hưng đi làm nuôi ba miệng ăn, lo đường, sữa, tã lót cho đứa nhỏ, tốn lắm, chẳng làm sao chu cấp đủ. Ả cave kia quen sống phong lưu rồi, không sao chịu được khổ. Con mới được mấy tháng, vừa “khô lò”, ả đã quẳng con cho Hưng, đi “làm”. Hưng can, ả sừng sộ rằng có nuôi được không mà tinh tướng. Có những lúc bắt được khách làng chơi vãng lai, ả đưa ngay về nhà, Hưng đành len lén ra ngoài. Quanh khu đó, họ nhìn Hưng với một vẻ khinh bỉ coi thường ra mặt. Vậy là đang từ một bác sỹ, vợ hiền con ngoan, có một địa vị được nể trọng trong xã hội, bây giờ trở thành một gã đàn ông mạt hạng. Bỏ ả cave thì tiếc tiền đã chung với nó mua nhà, nhà lại đứng tên nó mới chết chứ. Chỉ vì trót dại tình mà Hưng trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, cái dại chết người này hi vọng sẽ không ai mắc phải.

Chuyện tôi kể tiếp đây cũ như trái đất, cái bẫy tình này rất đơn giản (dân gian gọi là “bẫy cò ke”), ấy vậy mà cánh đàn ông vẫn cứ mắc, lạ thế. Mới hay đa phần đàn ông là lũ si tình ngốc nghếch. Chiều muộn, Công đi từ quê lên Hà Nội. Gần đến ngoại thành, bỗng một cô gái trẻ đẹp đứng bên đường vẫy gọi rối rít: anhơi cho em quá giang một đoạn được không?. Công dừng xe lại, ai nỡ từ chối một người đẹp chứ. “Em về đâu?” – Công hỏi. Nàng thỏ thẻ: em về đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, anh có qua đấy không, cho em đi một đoạn, em sẽ gửi tiền anh uống nước”. “Thôi mà em, anh có phải là xe ôm đâu mà lấy tiền. Em lên xe anh đưa về tận nhà”.

Ngồi lên xe, nàng bảo tên là Hà Thu (cái tên mới đáng yêu làm sao), sinh viên trường ĐH Thương mại, đang trọ học ở đây. Những lúc xe đi vào đoạn đường mấp mô hoặc phanh gấp, Thu cứ dán chặt người, áp hai bầu vú căng tròn vào lưng Công khiến chú chàng lâng lâng như lên mây, cứ nhằm… ổ gà xông tới. Sau cùng nàng ôm chặt eo Công như một đôi tình nhân. Về đến nhà trọ, nàng mời Công vào chơi. Rồi thì chỉ cần vài cái ngúng nguẩy, vài cái nguýt, vài câu ứ ừ, họ lôi tuột nhau lên giường. Đang “phập phòm” với nhau thì bỗng có tiếng gõ cửa cồng cộc thô lỗ, rồi một cái đạp, cửa bung ra. Một gã đàn ông to con, bặm trợn, cởi trần, ngực xăm trổ loằng ngoằng, nhìn phát khiếp, xuất hiện ở khung cửa. Tay gã cầm một con dao phay sắc lẻm, gã gầm lên: con đĩ, vắng tao mày dám dắt giai về nhà, đồ lăng loàn, hôm nay ông phải cho hai đứa về chầu âm phủ. Gã hoa con dao lên, đôi trai gái sợ quá quỳ rạp xuống van xin như tế sao. Gã làm phách đá cho mỗi người mấy cái rồi quát: Thằng kia, mày quyến rũ vợ ông, mày cắm sừng ông, mày phải bồi thường danh dự cho ông. Mau viết giấy nhượng xe, nếu không đừng hòng ra khỏi đây. Chẳng còn cách nào khác Công đành làm theo yêu cầu của hắn. Thế là con Suzuki gần ba chục triệu Công chắt chiu mấy năm trời mới mua được đã “xổng chuồng”. Ra khỏi cửa, đầu óc Công quay cuồng, chân bước như mộng du, mãi sau anh mới choàng tỉnh ra là mình bị bọn lưu manh này bẫy.

Cứ tưởng chỉ cánh đàn ông háo sắc mắc chứng dại tình, không ngờ cũng khối cô nàng dại ơi là dại. Hôm ấy tôi đang ngồi ở chỗ anh bạn là giám đốc Trung tâm chế bản in thì có một ông tuổi xấp xỉ sáu mươi, dáng người khắc khổ đến hỏi về một cậu tên là Hùng, xưng là nhân viên của trung tâm. Bạn tôi trả lời rằng cậu Hùng này người Tuyên Quang, đã bị đuổi việc cách đây ba tháng do lười lại hay rượu chè cờ bạc, cá độ bóng đá. Nghe thế ông ta thẫn thờ rồi kể cho chúng tôi nghe: Cậu Hùng này là người yêu của con gái ông. Chẳng biết chúng nó yêu nhau kiểu gì mà con gái ông rất hay xin tiền bố mẹ để “cho anh Hùng mượn”, tổng cộng tới cả chục triệu rồi mà chẳng thấy trả gì cả. Hôm vừa rồi con gái ông còn nằn nèo với bố mẹ vay… hai mươi triệu đồng để đi xin việc khác cho người yêu. Ông hỏi sao phải đi xin việc khác, nó trả lời là do anh ấy bất hoà với sếp nên bị trù. Đồng lương công chức lo đủ ăn tiêu trong gia đình đã khó lắm rồi, kiếm đâu ra hai mươi triệu cho vay. Mà nó vay tiền có thật để xin việc không hay để tiêu xài. Biết được sự thật này ông rất thất vọng. Nghe ông kể, tôi thật ái ngại cho ông, càng trách cô con gái ông sao dại thế, đào mỏ bố mẹ để cung phụng cho một gã người yêu ăn chơi thập thành.

Lan man với những chuyện dại tình, chợt ông bạn giám đốc Trung tâm chế bản in vỗ vai bảo tôi: thế mới là xã hội, ai cũng khôn cả thì làm gì có chuyện để nói. Mà còn ông nữa, từ giờ đến già đã chắc gì không có lúc ông dại. Hắn nói phải, người xưa có câu anh hùng còn khó qua ải mỹ nhân nữa là. Nhưng tôi vẫn gom góp ít chuyện trên để ai đó (và nhắc nhở cả tôi nữa) “sắp sửa” dại tình liệu dừng chân kẻo mà lỡ trớn.

Tapchilamdep.com ( VNMedia )