Những cuộc mưu sinh trong đêm
Các Website khác - 14/11/2007
Những em gái bán bắp rang bơ ở sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. (Ảnh: Thái Bình)

Đêm lạnh chờ tàu

 

23 giờ 30 phút, trước cổng khu nội trú sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội đã đóng kín, anh bán xôi khúc ngồi chống tay lên cằm dõi mắt vào bên trong, chân phải gác lên khung xe. Dưới ánh đèn đường, tôi nhận ra chiếc dép tổ ong cáu bẩn đã bị khoét thủng đế bởi chiếc bi-đan xe nhọn hoắt.

 

Thấy tôi dừng xe, anh giật mình ngẩng lên chào rối rít: “Mì nóng hay bánh khúc? Mua giúp anh đi, hôm nay trời mưa vắng khách quá”. Trò chuyện với anh, được biết anh là Vũ Văn Thạo, quê Phú Xuyên, Hà Tây. Ở quê, cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng, vợ anh mắc bạo bệnh, đau yếu triền miên. Con chị cả cứ đòi bố cho nghỉ học ra Hà Nội làm việc phụ giúp gia đình nhưng anh không cho. Anh bảo: “Ngày nào bố còn khỏe bố sẽ cố làm để nuôi các con. Đời bố mẹ không được học hành đã khổ rồi, đời các con phải khác”.

 

Khăn gói ra Hà Nội làm thuê, ban ngày làm nghề kéo xe cải tiến, ban đêm tranh thủ bán thúng xôi kiếm thêm chút tiền. “Cả ngày kéo xe rong ruổi, chẳng ai thuê, tưởng trông vào thúng xôi kéo lại, ngờ đâu trời lại đổ mưa rét, sinh viên ngại ra ngoài, ế quá em ạ!”, anh Thạo than thở. Tôi mua giúp anh hai gói, thấy chẳng thấm vào đâu khi thúng xôi còn đầy nguyên.

 

0 giờ đêm, trước cửa những ngôi nhà đối diện Ga Hà Nội, một vài quán cóc với ánh đèn Hoa Kỳ leo lét. Như thường lệ, cứ vào giờ này là bà Nguyễn Thị Mùi lại dọn hàng ra ngồi đợi chuyến tàu sớm. Thấy khách vào, bà Mùi choàng tỉnh cơn ngủ gật. Bà kể: “Tôi quê ở huyện Phú Lương, Thái Nguyên, có ba người con thì cả ba đứa đều kinh tế nghèo khó. Không nỡ ăn bám con cái, tôi bắt xe xuống Hà Nội, bán vài thứ lặt vặt kiếm tiền sống qua ngày”.

 

Ban ngày bà nghỉ ở nhà trọ, đêm xuống vạ vật ở đây với mẹt hàng bán cho khách xuống chuyến tàu sớm. Cuộc sống của bà “lệch múi giờ” với mọi người. Bà bảo, những ngày đầu chưa quen cũng thấy khó ở, lâu rồi cũng thành quen, bà sống như thế này đã gần sáu năm nay và cho biết sẽ chỉ nghỉ khi nào kiệt sức.

 

Càng về khuya, làn sương mỗi lúc một dày hơn như muốn trùm kín những ngọn đèn cao áp. Tôi co người vì lạnh. Bà Mùi hướng đôi mắt về phía sân ga vắng lạnh, giọng chậm rãi: “Thức cả đêm để chờ tàu nhưng khi tàu đến rồi cũng chỉ vài ba người vào uống chén nước. Có khi tiền bán hàng không đủ để mua thuốc điều trị bệnh một ngày chú ạ”. Rồi bà chỉ vào mẹt hàng còn nguyên: “Từ tối đến giờ, có một ấm nước cũng phải đổ đi vì nguội. Quá nửa đêm mà vốn với lãi chỉ vẻn vẹn có ngần này” - bà giơ chiếc túi vải với mấy tờ giấy bạc nhàu nát.

 

Dãy phố đang im lặng, bỗng một anh xe ôm nói như quát “Xe phường, xe phường” khiến những thân hình gầy còm xiêu vẹo choàng tỉnh, thu nhanh giỏ hàng trùm vào tấm chăn rách. Thì ra đó là cách anh xe ôm báo tin có xe công an phường đi thu hàng của những người bán hàng đêm quá giờ.

 

Trong khoảnh khắc nhốn nháo, tôi chợt nhận ra bên trong những những thân hình già nua, còm cõi vẫn ẩn giấu những sức mạnh sinh tồn. Chiếc xe cảnh sát lao qua, cũng vẫn tiếng người xe ôm lúc trước: “Dọn hàng được rồi”. Tôi định đưa máy chụp vài kiểu ảnh thì anh xe ôm đứng cạnh nói nhỏ: “Toàn người đói rách, chụp ảnh làm gì cho nó khổ hả ông?”.

 

Nặng gánh chợ đêm

 

2 giờ 30 phút trên đường Lê Duẩn, tôi dừng xe quấn lại chiếc khăn cho gió khỏi lùa vào tai, chợt giật mình phát hiện 1 cụ già nằm trên bệ cửa, đắp chiếc mền bộ đội rách bươm. Dưới chân cụ, một dây xích được khóa vào chiếc xe đạp cà tàng còn buộc nguyên cả hòm đồ. Tôi mạo muội đánh thức ông cụ, cụ khẽ cựa mình giọng ngái ngủ: “Tôi nghỉ rồi”.

 

Nài nỉ cụ trở dậy, ngửi thấy mùi khen khét bốc ra từ tấm chăn, có lẽ đã lâu lắm không được giặt. Cụ tên N.V.T, quê Thanh Hóa, từng là lính Điện Biên Phủ, sau tham gia kháng chiến chống Mỹ. Hòa bình lập lại, cụ tìm về quê nhưng người thân chẳng còn ai nên cụ lưu lạc ra Hà Nội làm nghề bơm xe.

 

Ngày cụ lang thang kiếm sống, đêm về chỗ ngủ cũng chẳng có! Đất nước hoà bình được bao nhiêu năm thì có chừng ấy năm cụ sống cảnh màn trời chiếu đất. Với chiếc bơm, cụ đã tiếp sức cho không biết bao chiếc xe lăn bánh; vậy mà “bánh xe cuộc đời” cụ vẫn giậm chân tại chỗ…

Rời Ga Hà Nội, tôi đến chợ đầu mối Long Biên, nơi có hàng trăm lao động ngoại tỉnh đang quần quật mưu sinh. Họ đến từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tây, Vĩnh Phúc. Công việc chính của họ là khuân vác hàng tại hai tuyến chợ Long Biên và Đồng Xuân. Ban ngày tỏa đi kiếm việc làm thuê khắp nơi, đêm về họ tiếp tục bán sức tại khu chợ hoa quả đêm Long Biên.

 

Đa phần những lao động ở đây là phụ nữ tuổi từ 30-45. Chị Nguyễn Thị Xoa (Văn Lâm, Hưng Yên) đã có thâm niên nhiều năm làm nghề này cho biết: làm việc suốt từ 9h tối đến khoảng 4-5h sáng có thể kiếm được 50-70 nghìn đồng, nhưng đó là những ngày nhiều việc, còn bình thường chỉ được 30-50 nghìn đồng.

 

Tranh thủ thời gian giải lao giữa hai xe hàng, chị Xoa cho biết thêm: “Một người bình thường chỉ có thể bán sức vài năm rồi lại phải chuyển nghề vì tuổi tác không đáp ứng được công việc. Các triệu chứng suy giảm sức khoẻ thường thấy là đau lưng và đau đầu gối. Cũng có những trường hợp phải bỏ nghề giữa chừng vì gặp tai nạn khi đi từ chợ Long Biên sang Đồng Xuân trong quá trình gánh thuê hàng”.

 

Lúc này đã là 3h sáng, tôi quyết định chọn chợ rau xanh Dịch Vọng, Cầu Giấy làm nơi dừng chân của cuộc hành trình. Càng về sáng, cảnh mua bán ở đây càng trở nên đông đúc. Hàng trăm người nông dân từ các vùng ngoại thành Hà Nội, cũng như nông dân các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc lũ lượt chở rau vào chợ, chen chúc nhau trên “tiểu đảo” cuối đường Xuân Thuỷ còn nham nhở đất cát.

 

Trời lạnh mà người anh Đào Văn Quang ướt sũng mồ hôi. Anh vừa phải vượt qua đoạn đường hơn 20km men theo bờ đê sông Hồng vào Hà Nội. Vừa bốc su hào ra khỏi sọt, anh vừa nói giọng hổn hển: “Chở hàng trong đêm lạnh thế này đi chả khác gì bán xương nuôi thịt. Mười người đi bán hàng thì chín người mắc bệnh về phổi và xương khớp nhưng ớn nhất là khi về người không, qua cầu gió từ sông thổi lên như muốn cuốn cả xe và người xuống sông Hồng”.

           

Tôi trở về nhà khi đằng Đông đã hửng sáng, chợ rau vẫn ồn ào náo nhiệt. Trong cái ồn ào của chợ búa, tôi vẫn thấy có những người tranh thủ nằm co quắp ngủ ngay trên bao tải  rau bất chấp những cơn gió lạnh phả vào người.

 

Thái Bình