![]() |
Bà Phạm Thị Thành không hỏi mà đưa ra giải pháp rất “táo bạo” xung quanh tiến độ chậm các dự án. |
Cử người ra nước ngoài học về quản lí đô thị PCT Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá, hầu hết các dự án của thành phố đều không đạt mục tiêu đề ra, tiến độ triển khai chậm, giải ngân đạt rất thấp. Sau 9 tháng, toàn thành phố mới giải ngân được 27%, trong đó các dự án lớn mới giải ngân được... 9%. Trong các nguyên nhân đưa ra, ông Hiển nhấn mạnh đến việc thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành, sự thiếu quyết liệt của các sở ngành, năng lực của chủ đầu tư hạn chế. “Lĩnh ấn” tiên phong, đại biểu Trần Trọng Hanh đặt mạnh vấn đề, sở nào, cán bộ nào phải chịu trách nhiệm và theo ông cần thiết thì phải bãi miễn. Đại biểu Đặng Thị Loan cũng gay gắt, thành phố có giải pháp gì đối với các chủ đầu tư không có năng lực? Theo bà Loan, 9 tháng đã không thực hiện được thì với 2 tháng còn lại dù có đầu tư vốn tiếp cũng không giải quyết được vấn đề. Ông Hiển trấn an, đến cuối năm thành phố sẽ giải ngân được khoảng 80% số vốn được giao. Cụ thể, các dự án trọng điểm đạt 51%, các dự án nhóm B, C đạt 90%. Ông Hiển cũng dẫn ra một số chủ đầu tư chậm “điển hình” như Sở LĐ-TB-XH (7%), Sở Văn hoá (9%), Trung tâm phát triển quĩ đất (0%)... Ông cho biết, với những chủ đầu tư quá yếu sẽ phải thay đổi chủ đầu tư khác, chẳng hạn như Trung tâm phát triển quĩ đất. Lãnh đạo Thành phố được chất vấn thứ hai là Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng cũng lí giải những nguyên nhân gây nên việc chậm giải ngân các công trình kỉ niệm 1000 năm Thăng Long. Sau khi nghe các phân tích của bà Hằng, đại biểu Phạm Thị Thành không hỏi mà đưa ra giải pháp rất “táo bạo” xung quanh tiến độ chậm các dự án. Theo lí giải của bà, dự án chậm là do năng lực của cán bộ, mà gốc của vấn đề là nhiều người không có chuyên môn, chạy từ chỗ khác sang làm. Bà cho rằng, thành phố nên mở lớp học cho những cán bộ liên quan đến việc quản lí, thực hiện các dự án. Bà cũng cho rằng, về lâu dài nên cử người ra các nước tiên tiến học về quản lí đô thị, quản lí kinh tế... với tính toán là có được 10 em trong số nhiều em có năng lực trong số nhiều em đi học trở về là giải quyết được vấn đề. Bà Thành cũng “lăn tăn” khi Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng, chuyên về mảng Văn hoá phải phụ trách theo dõi cầu Vĩnh Tuy. Bà Thành đặt câu hỏi, “ngộ nhỡ” cầu Vĩnh Tuy có điều gì đó xảy ra tương tự như cầu Cần Thơ thì bà Hằng có là người chịu trách nhiệm? “Xây nhà cho người ta mà người ta không đồng ý là không được” Sau khi xem phóng sự của Đài THHN về thực trạng của các khu chung cư xuống cấp với lời phát biểu của một người dân là “thành phố cứ bàn mãi ở đâu đâu chưa thấy làm” và phần trình bày của ông Vũ Văn Hậu - Giám đốc Sở TN-MT&NĐ, đại biểu Vũ Mạnh Hải đặt vấn đề, đất đai quí như vàng, nhưng có vướng mắc gì khiến các nhà đầu tư vào lại ra. Đáp lại, ông Hậu cho rằng, khó nhất là thoả thuận với các hộ dân tầng 1. Thậm chí theo ông Hậu, có một thực tế là với qui chế đang được lấy ý kiến, các hộ tầng trên cho rằng, quá ưu ái tầng 1, trong khi các hộ tầng 1 lại cho rằng, lợi ích của họ là... chưa thoả mãn. Khó khăn kế đến là các chủ đầu tư vẫn đang thiếu phương án trung chuyển các hộ dân. Khó khăn nữa là việc thiếu thống nhất phương án kiến trúc... Đối với việc một bộ phận người dân chưa chấp nhận di dời ông Hậu cho biết, nếu đã có 2/3 hộ dân đồng ý, sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với thiểu số còn lại. Ông Trần Trọng Hanh không đồng tình với cưỡng chế: “Xây nhà cho người ta mà người ta không đồng ý là không được”. Ông Hanh đặt nghi hoặc, vấn đề cải tạo nhà chung cư có làm được hay không và nhiệm kì này làm được bao nhiêu dự án? Ông Hậu giải thích lại là sau khi đã có cơ chế cho các bên, nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ chưa đồng ý, cản trở lợi ích các bên sẽ áp dụng biện pháp hành chính kiên quyết. Theo ông Hậu, trước mắt thành phố quyết tâm thực hiện 3 dự án cải tạo, xây mới 3 khu chung cư Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Kim Liên. Đại biểu Hải tiếp tục hỏi ông Hậu có sáng kiến gì để tháo gỡ những tồn tại, ông Hậu cho rằng quan trọng là qui chế cải tạo chung cư cũ. Theo ông đây là “trí tuệ” của các bên, là khung pháp lí để giải quyết vấn đề. Một vấn đề được đại biểu Trần Trọng Hanh đặt ra nhưng chưa được trả lời, đó là không nên thay đổi chỉ tiêu, mật độ xây dựng làm ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị. Việc xây dựng thêm tầng thực tế đang được nhiều người phản ảnh sẽ tăng thêm dân số nội đô trong khi cơ sở hạ tầng vẫn giữ nguyên. Liên quan đến vấn đề rau an toàn, đại biểu Nguyễn Việt Hưng đặt vấn đề, có người trồng rau an toàn khi được hỏi đã trả lời là không biết qui trình trồng rau này. Trồng rau an toàn hiện tại đang được tính toán không thu lợi bằng trồng rau không an toàn. Theo ông Hưng, rau đang là thực phẩm rất quan trọng khi người thành phố đang có xu hướng thừa cân, tuy nhiên ăn rau như hiện nay là đưa vào người một... cái chết từ từ. Đại biểu Bùi Thị An đặt vấn đề, giải pháp nào là gốc để đến 2010 người dân Hà Nội được ăn rau an toàn? Ông Vũ Hồng Khanh cho biết, thành phố sẽ điều chỉnh qui hoạch rau an toàn và sẽ chỉ đạo quyết liệt đối với vấn đề này. Cụ thể, thành phố đang xây dựng đề án rau an toàn với tổng kinh phí 461 tỉ đồng. Theo đó, thành phố sẽ phải hỗ trợ hạ tầng, nước, phân vi sinh cho người trồng rau... Tuy nhiên, thành phố cũng chỉ giải quyết được một phần rau cho mình, nên ông Khanh cho biết, sẽ kiến nghị với Bộ NN&PTNT để có những biện pháp thúc đẩy trồng rau an toàn ở các địa phương lân cận. Cấn Cường
▪ Chấm dứt tìm kiếm nạn nhân vụ cầu Cần Thơ (19/10/2007)
▪ Hà Nội: Nhiều con đường đang “kêu cứu” (19/10/2007)
▪ 14 lãnh đạo cao cấp nghỉ hưu theo chế độ (19/10/2007)
▪ Thêm 7 người chết và mất tích do mưa lũ (19/10/2007)
▪ Malaysia tiếp nhận lao động VN giúp việc gia đình (19/10/2007)
▪ Nửa đêm, hàng trăm người xếp hàng mua nhà! (19/10/2007)
▪ Các công trình lân cận cao ốc Pacific cũng có thể lún (19/10/2007)
▪ Ba nữ sinh lớp 7 rủ nhau tự tử vì... yêu (19/10/2007)
▪ Thi thể cuối cùng ở cầu Cần Thơ là anh Trần Văn Hơn (18/10/2007)
▪ Lật thuyền, đôi uyên ương sắp cưới tử nạn (18/10/2007)