Nhiều thiệt hại về người vì còn chủ quan với bão lũ
Các Website khác - 07/11/2007
Nước lên, nhiều người dân tranh thủ đi câu, cho cả trẻ em đi cùng.

Nhiều cái chết không đáng có

 

Tính riêng cơn lũ thứ 3 và thứ 4 gần đây nhất, tỉnh Quảng Nam đã có 11 người chết và mất tích. Trong số 5 nạn nhân mới nhất có 2 anh Lê Văn Kỳ (26 tuổi) và anh Hà Phước Nguyên (20 tuổi) cùng bị lũ cuốn trôi khi đang đèo nhau bằng xe máy; em Trần Nguyễn Thuỳ Trang (9 tuổi, huyện Đại Lộc) bị lũ cuốn khi cùng cha đi đánh bắt cá; bà Phạm Thị Tám (huyện Duy Xuyên) bị lũ cuốn mất xác; cháu Hồ Thị Thảo (13 tháng tuổi, huyện Nam Trà My) cũng bị nước cuốn khi lẫm chẫm theo anh trai đi câu cá.

 

Vậy là phần lớn những cái chết thương tâm đều xảy ra do sự chủ quan, coi thường nguy hiểm của con người, gây nên những hậu quả đáng tiếc. Trong khi mực nước các sông lên cao, lũ đổ về ồ ạt, thì người dân vẫn “tranh thủ” nước lớn đi câu cá, vớt gỗ do lũ cuốn từ rừng thượng nguồn đổ về. Nhiều gia đình vẫn chủ quan, lơ là, không trông nom con trẻ.

 

Trong khi đó, nằm ngay hạ lưu sông Vu Gia, thị xã Hội An được coi là “rốn lũ” nhưng qua năm mùa mưa bão, ngoài những thiệt hại về vật chất tất yếu, chưa có trường hợp thiệt hại về người.

 

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với thiên tai, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị xã Hội An, cho biết địa phương luôn theo dõi chặt các thông tin về thiên tai và chủ động ứng phó - từ lãnh đạo, ban ngành chức năng cho đến người dân. Do hàng năm đều phải có vài ba đợt sống chung với lũ nên người dân đã có kinh nhiệm thực hiện phương châm “4 tại chỗ” khi có lũ và ý thức tự bảo vệ tính mạng.

 

“Ngay khi có lũ, lập tức chính quyền địa phương thông báo cho học sinh vùng trũng nghỉ học và tổ chức học bù sau. Cấm tuyệt đối học sinh lội lũ, câu cá và thường xuyên có các lực lượng chức năng kiểm tra, thị sát”, ông Giảng chia sẻ kinh nghiệm.

 

Thiên tai vẫn đang rình rập

 

Ngày 5/11, lũ trên các sông tại tỉnh Quảng Nam vẫn còn trên mức báo động 3; nước lũ rút chậm nên hàng nghìn nhà dân, công sở, trường học vẫn ngập chìm trong nước. Tại thị xã Hội An vẫn còn 8/13 xã phường bị ngập, hơn 10.000 người dân ở xã Cẩm Kim đang bị cô lập và cần cứu đói khẩn cấp. Địa phương đã cho ngừng hoạt động các bến đò Cẩm Kim, Cửa Đại để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân cho đến khi lũ rút hết.

 

Các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề do lũ. Tính đến nay, tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận tỉnh Quảng Nam đã có 390 điểm sạt lở, 19 điểm trôi và xói lở bờ kè. Hơn 600 học sinh dân tộc nội trú tại huyện miền núi Tây Giang đang đứng trước nguy cơ thiếu đói do mưa lũ gây sạt lở chia cắt giao thông trong nhiều ngày liên tiếp, các lực lượng chức năng không thể đưa lương thực lên ứng cứu. Đồn biên phòng 649 tại địa phương tạm ứng gạo cho các em học sinh nội trú tại đây.

 

Do ảnh hưởng của cơn bão số 6, tình hình thiên tai vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, không loại trừ nguy cơ xuất hiện đợt lũ mới. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Bộ đội biên phòng, ngành thuỷ sản kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, nghiêm cấm không được ra khơi.

 

Khánh Hiền