“TPHCM ngập sau mưa là đương nhiên”
Các Website khác - 07/11/2007
Sau mưa, đường phố ngập thành sông cho những đứa trẻ chơi đùa.

Hai ngày qua (5 - 6/11), sau những trận mưa lớn kéo dài chừng 30 phút, hầu như cả thành phố đều ngập; nhiều nơi trước nay chưa từng ngập, giờ cũng tràn trề nước như khu vực đường Trần Bình Trọng (quận 5), khu vực chợ Bàn Cờ (quận 3)…

 

Ngay các trục đường chính trong nội thành như Võ Thị Sáu, Cao Thắng… cũng ngập nhiều đoạn. Còn các con đường ngập “truyền thống” như Ba Tháng Hai, An Dương Vương… thì vẫn cứ theo thông lệ “cứ mưa là ngập”.

 

Theo báo cáo của Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, chỉ riêng khu vực trung tâm thành phố, trong 6 tháng (từ tháng 5 - 10/2007), đã phải chịu 45 trận mưa gây ngập nặng; nghĩa là cứ 4 ngày thì trung tâm TP phải chịu ngập 1 ngày do mưa. Trong đợt mưa lớn kéo dài ngày 15/10 vừa qua, trung tâm TP có đến 77 điểm ngập.

 

“Nếu mưa trên 100mm thì TP chắc chắn sẽ ngập vì hệ thống cống của TP chỉ được thiết kế để thoát nước tốt nếu lượng mưa dưới 100mm” - ông Đặng Thế Trung, Chánh văn phòng Sở GTCC cho biết.

 

Theo Sở thì hệ thống thoát nước thành phố vừa thiếu về số lượng vừa nhỏ về tiết diện và mang tính chắp vá do được xây dựng qua nhiều thời kỳ. Trước đây, nó được xây dựng chỉ để phục vụ diện tích đô thị 35km2 và 1,5 triệu người; nay TP đã phát triển lên 650km2 với hơn 7 triệu người, làm sao tải nổi!

 


Một đứa trẻ vô tư lội nước ngay cạnh hộp biến điện có

cảnh báo "... nguy hiểm chết người!".

 

Tại khu vực trung tâm TP có khoảng 113km cống nhưng chủ yếu là loại cống vòm nhỏ, xây bằng gạch có từ trước 1975. Trong đó có đến 60km cống vòm hư hỏng do đã cũ kỹ, có nguy cơ bị sập. Vậy mà đây vẫn được coi là khu vực có hệ thống cống hoàn chỉnh nhất TP.

 

Các quận ven và huyện ngoại thành như Củ Chi, Bình Chánh… hệ thống cống thoát nước rất ít, chủ yếu là các “cống tự nhiên” như kênh rạch nhưng nay số này cũng đã bị lấn chiếm gần hết do tốc độ đô thị hóa quá nhanh.

 

Ngoài ra, việc một số khu vực nông thôn đã có quy hoạch thành đô thị nhưng không hề quy hoạch hệ thống thoát nước dẫn đến việc nhiều khu đô thị không có hệ thống cống. Nếu có thì cũng làm chắp nối lẫn nhau, mạnh ai nấy làm, không có một quy hoạch tổng thể dẫn đến nhiều bất cập như cống lớn đổ vào cống nhỏ, thoát khu này thì ngập khu kia…

 

Các công trình ngầm như điện, điện thoại, cấp nước chen nhau với hệ thống cống cũng gây hư hỏng cho hệ thống thoát nước. Nhiều dự án thi công đường xá, ống cấp nước cũng làm hư hỏng nặng hệ thống thoát nước…

 

Ông Trung cho biết: “Nếu muốn TP hết ngập triệt để chỉ còn cách thay toàn bộ hệ thống cống của TP. Nếu không thì chắp vá, xóa được nơi nào thì xóa, giảm được khu nào hay khu đó mà thôi!”.

 

Tùng Nguyên