Ngày Phần mềm tự do và mã nguồn mở lần thứ nhất tổ chức tại Việt Nam đã diễn ra vào ngày 28-8-2004, do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì.
Ngày hội Phần mềm tự do là sáng kiến của Tổ chức các nước nói tiếng Pháp, và được tổ chức đồng loạt tại nhiều nước trên thế giới. Ngày Phần mềm tự do được tổ chức ở Việt Nam theo sáng kiến của Trung tâm Linux và Phần mềm tự do cho phát triển Việt Nam.
Trong vài năm gần đây, trên thế giới, phần mềm mã nguồn mở, đặc biệt là phần mềm tự do, hay còn gọi là phần mềm GPL với đại diện tiêu biểu là hệ điều hành GNU/Linux đã trở thành một hiện tượng nổi bật trong bức tranh CNTT thế giới. Từ một phong trào trong giới nghiên cứu CNTT đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nhờ sự phổ cập của internet, phần mềm tự do đã lớn mạnh như vũ bão và ngày nay đã trở thành một sự lựa chọn của các nhà hoạch định CNTT, bên cạnh các giải pháp ứng dụng CNTT truyền thống. Sử dụng phần mềm nguồn mở là con đường không thể bỏ qua của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Anh Lê Quốc Thái, cán bộ nghiên cứu Viện Công nghệ thông tin, thành viên của nhóm những người dùng Linux tại Hà Nội (HanoiLUG) cho biết, trong khi tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam rất lớn (90%), ngày hội góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề tôn trọng bản quyền phần mềm, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong lĩnh vực CNTT và tạo dựng một cộng đồng rộng lớn những người sử dụng mã nguồn mở trong giới trẻ Việt Nam.
Đến với ngày hội, anh Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Exo Platform - một doanh nghiệp phần mềm nguồn mở mới thành lập tại Việt Nam đã chứng minh rằng doanh nghiệp mình có thể kinh doanh trên mã nguồn mở.
Sau khi tốt nghiệp ĐH ở Canada, năm 2000, Tuấn Anh đã sang Mỹ và làm việc tại Thung lũng Silicon. Nhưng chỉ hai năm sau, anh đã mất việc bởi hàng loạt công ty ở đây phá sản. Lúc này, anh mới nghiên cứu mã nguồn mở chỉ với mục đích tìm kiếm việc làm. Một năm sau, anh và một người bạn ở Pháp (chỉ quen biết và trao đổi với nhau qua internet) đã thành lập công ty Exo Platform tại Canada. Với sản phẩm mã nguồn mở hệ thống Exo Potal, công ty đã thu được lợi nhuận vào năm 2003.
Với chủ đề chiến lược kinh doanh trên nguồn mở, anh Tuấn cho biết, mô hình kinh doanh nguồn mở sơ khai chỉ là để đem niềm say mê mã nguồn mở đến với cộng đồng. Khi một số người bắt đầu quan tâm, sử dụng nguồn mở thì mô hình kinh doanh tiếp theo sẽ là cài đặt, hỗ trợ công nghệ, dịch vụ tư vấn. Và với mô hình mới, nguồn mở lại chính là điểm mạnh để cạnh tranh. Các công ty có thể tung ra các sản phẩm nguồn mở dưới một giấy phép và nhanh chóng xây dựng một cộng đồng rộng lớn người sử dụng. Lợi điểm đầu tiên của nguồn mở là miễn phí. Các công ty có thể xây dựng phần mềm trên một hay nhiều sản phẩm mã mở và kết quả, phần mềm tích hợp mã mở sẽ có giá thành thấp hơn rất nhiều so với phiên bản thương mại. Thời gian phát triển cũng sẽ ngắn hơn và hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều.
Mô hình kinh doanh khác là xây dựng các thành phần thương mại kiểu add-on. Nghĩa là một công ty xây dựng nguồn mở của họ, cung cấp miễn phí cho người dùng đầu cuối. Sau khi đã có được một cộng đồng nguồn mở rộng rãi, họ bắt đầu chiến lược kinh doanh bằng việc cung cấp thêm các thành phần, tính năng thương mại cho sản phẩm.
Một vài công ty còn cung cấp các sản phẩm của họ dưới hai dạng: bản nguồn mở và bản thương mại. Họ bán các sản phẩm thương mại nhưng không thu phí phiên bản nguồn mở. Mục đích là nguồn mở được cung cấp sẽ lây nhiễm từ người này đến người khác và cuối cùng là khách hàng lại tìm mua sản phẩm thương mại.
Ngoài các hoạt động hội thảo, trưng bày sản phẩm, giải pháp công nghệ, trao đổi kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc..., người đến dự còn có thể tự tải những phần mềm nguồn mở do nhà tổ chức cung cấp.
|