Người dân trồng dừa Bến Tre vẫn chưa thể sống bằng cây dừa. Còn nhà máy chế biến thì hoạt động cầm chừng do phải ăn đong nguyên liệu.
![]() |
Thu mua dừa ở Bến Tre. (TT) |
Ông Lê Văn Thính (Mỏ Cày, Bến Tre) nói: “Cây dừa từ gốc đến ngọn không bỏ thứ gì, lại sống lâu. Tuy nhiên, nếu chỉ trồng dừa thu nhập trên 1.000m2 đất chỉ khoảng 200.000 đồng/tháng. Gia đình có 4-5 nhân khẩu, với 0,5ha dừa thì không đủ sống”.
Trong khi tại Bến Tre, hộ có nửa hecta dừa không nhiều, phần lớn chỉ 3.000-4.000m2. Vì vậy, trong thời gian gần đây dù giá dừa tăng, người trồng dừa có dễ thở hơn nhưng vẫn chưa nuôi sống được họ.
Theo người trồng dừa, giá dừa tăng nhưng lợi nhuận lại nằm ở khâu lưu thông, phần đến tay nông dân không nhiều. Giá dừa bán để xuất khẩu 2.500 đồng/trái nhưng thương lái mua tại vườn chỉ khoảng 2.000 đồng, nếu ở vùng sâu, vùng xa thì giá thấp hơn. Người trồng dừa còn bị thiệt do cách mua dừa xô.
Thương lái mua dừa xô, trái lớn, nhỏ đều một giá nhưng khi bán thì chia ra hai loại: loại trên 1 kg/trái bán cho tàu đưa đi xuất khẩu giá cao hơn; loại dưới 1kg/trái bán cho các cơ sở chế biến, giá còn phân nửa... Khi mà người trồng dừa chưa “chuẩn hóa” được vườn dừa để có thể thu hoạch đồng loạt thì việc phải bán xô là không tránh khỏi.
Tại Bến Tre đang thí điểm mô hình trồng xen trong vườn dừa (ca cao, cỏ nuôi bò...). Anh Nguyễn Văn Lập (Châu Thành) có 6.000m2 đất trồng dừa, được Trường đại học Nông lâm TP HCM chọn trồng thí điểm ca cao, theo dự án Success Alliance do Tổ chức ACDI/VOCA của Mỹ tài trợ; với hơn 400 gốc ca cao 3-5 tuổi, mỗi năm thu nhập 20-30 triệu đồng. Từ mô hình của anh Lập, hiện Bến Tre đã có trên 1.700 ha ca cao trồng xen trong vườn dừa và diện tích dự kiến tăng lên 10.000 ha vào năm 2010. |
Nhà máy chế biến chờ... dừa
Ông Lê Nhứt Thống, Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu BTCO (thị xã Bến Tre), nói: “Giá dừa càng tăng các doanh nghiệp chế biến càng lo”.
Hiện hầu hết các nhà máy chế biến dừa trong tỉnh không đủ nguyên liệu sản xuất dù đang vào mùa dừa. Chưa có năm nào mà các nhà máy lại “đói” nguyên liệu ngay từ đầu mùa dừa như năm nay. Công ty BTCO mỗi ngày cần tới 40 tấn nguyên liệu nhưng chỉ mua được 1/5 nhu cầu.
Trong khi nhà máy đói nguyên liệu thì dừa trái vẫn được đem đi xuất khẩu. Năm 2005, Bến Tre đã xuất khẩu trên 60 triệu trái dừa, chiếm 1/4 sản lượng dừa của tỉnh. Thương lái mua dừa giá cao hơn 10% so với giá mua của các nhà máy chế biến trong tỉnh để bán sang Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia.
Cho đến nay các doanh nghiệp chế biến dừa vẫn không có được giá mua tốt hơn để giữ nguồn nguyên liệu. Theo các doanh nghiệp, do giá cơm dừa nạo sấy không tăng, chỉ dao động ở mức 780 - 790 USD/tấn nên các nhà máy không dám mạo hiểm tăng giá mua dừa. Các doanh nghiệp chế biến dừa ở Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia trái lại vẫn có thể mua dừa ở VN với giá cao hơn, chịu thêm phí vận chuyển. Trong khi các doanh nghiệp có lợi thế hơn do không chịu chi phí vận chuyển nhưng lại mua với giá thấp hơn.
Trong khi đó, giải pháp lo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lại không được các doanh nghiệp hưởng ứng. UBND tỉnh Bến Tre cho rằng các doanh nghiệp chế biến dừa nên liên kết với nông dân thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, để đảm bảo nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho người trồng dừa.
Không ít doanh nghiệp lại cho rằng nông dân có thể phá vỡ hợp đồng, chuyển sang bán dừa cho thương lái khi giá dừa tăng cao. Ông Lê Nhứt Thống cho biết chỉ hợp đồng với hợp tác xã cung cấp dừa cho nhà máy, không ký hợp đồng với hộ cá thể...
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Đua nhau nhập rác thải vào Việt Nam (23/03/2006)
▪ Chưa "động"... đã "chuyển"! (23/03/2006)
▪ TPHCM: Điều chỉnh thiết kế đại lộ Đông - Tây (23/03/2006)
▪ Tháng 3, chỉ số tăng giá tiêu dùng giảm mạnh (23/03/2006)
▪ Lạng Sơn: Một ngày thu giữ 3 vụ vận chuyển gà nhập lậu (23/03/2006)
▪ Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2006 (23/03/2006)
▪ Hải Phòng: Lại phát hiện 46 container rác thải công nghiệp (23/03/2006)
▪ Mức tăng giá điện như thế nào là hợp lý? (23/03/2006)
▪ Doanh nghiệp ma bán hoá đơn thật (23/03/2006)
▪ Chiều nay tọa đàm trực tuyến về giá điện (23/03/2006)