Không tăng giá sẽ thiếu điện trầm trọng
Các Website khác - 23/03/2006

Gần 800 câu hỏi đã được bạn đọc VnExpress gửi đến các chuyên gia trong buổi toạ đàm trực tuyến chiều nay. Đại diện ngành điện cho hay bản thân họ cũng không muốn tăng giá song như vậy kịch bản thiếu điện sẽ trầm trọng hơn.

- Tôi muốn biết rõ hơn lý do tăng giá điện. Mức tăng giá mà Bộ Công nghiệp đưa ra được dựa trên cơ sở nào, liệu có phải GDP tăng 7,5% thì điện cũng đòi tăng theo với mức tương ứng? (Tran Cao Ky, [email protected])

Ông Quốc Anh.
- Ông Vũ Quốc Anh - Vụ phó Vụ Tài chính Kế toán Bộ Công nghiệp, thành viên tổ công tác liên ngành về giá điện: Do những biến động trong cơ cấu giá thành điện từ năm 2002, mặt bằng điều chỉnh từ đó đến nay không phản ánh đúng và đủ về giá thành sản xuất điện, hạn chế khả năng thu hút vốn của ngành điện. Từ năm 2002-2005, tỷ trọng điện mua ngoài tăng lên 5 lần, từ 6 đến 21%. Trong khi đó, giá dầu thế giới tăng lên, khiến giá thành sản xuất điện trong năm ngoái tăng tới 20,5% so với 2002. Chúng tôi thấy rằng, giá thành áp dụng trong năm 2002 không còn phù hợp nữa, ảnh hưởng khả năng huy động vốn, ảnh hưởng tiến độ các dự án đầu tư và mục tiêu của Chính phủ là đủ điện cho nền kinh tế.

Sau khi cân nhắc các yếu tố này, tổ liên ngành đã đưa ra lộ trình tăng giá điện. Bước đầu tiên 8,8% trong năm 2006, vừa từng bước cải thiện khả năng của ngành điện vừa phù hợp với khả năng chịu đựng của nền kinh tế. Khi xây dựng lộ trình này, chúng tôi cũng đã xem xét cụ thể từng mục tiêu riêng. Ví dụ, nó phải giảm được bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và giá sản xuất. Các phương án này có thể có những ý kiến khác nhau bởi không có phương án nào phù hợp với tất cả mọi người được. Chúng tôi muốn xem ý kiến nào phù hợp nhất thì chúng tôi sẽ chọn phương án phù hợp nhất.

- Tôi nghe nói trước đây EVN đề xuất tăng giá trên 14%, nay Bộ Công nghiệp đưa ra 8,8%. EVN có ý kiến gì? (Mai Thanh, Đà Nẵng)

- Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực VN: EVN không phải là nơi xây dựng phương án giá mà do Cục điều tiết điện lực. Thời gian qua, Bộ Công nghiệp chỉ đạo EVN xây dựng và phương án này được căn cứ vào đề xuất của EVN.

Có một vấn đề cần chú ý là hiện nay không chỉ riêng EVN sản xuất điện mà rất nhiều đơn vị khác như Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Than...

Đối với EVN, với tốc độ tăng trưởng 5,6% thì chúng tôi vẫn đảm bảo có lãi không cần phải tăng giá điện. Tuy nhiên, trong phần tăng trưởng này, Chính phủ giao cho một số đơn vị khác, chứ không phải EVN đầu tư toàn bộ. Trong số 25.000 tỷ đồng, EVN chỉ đảm nhiệm một phần còn lại do các đơn vị khác. Nếu chúng tôi không đưa ra mức giá hợp lý thì các đối tác không dám đầu tư vào. Tất cả những dự án chúng tôi đầu tư vào đều rẻ hơn các đối tác khác. Nói tóm lại việc tăng giá là bắt buộc chứ chúng tôi cũng không muốn.

Ông Đỗ Gia Phan - Phó chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng VN: Như ông Tri nói, Việt Nam sản xuất điện hiệu quả, giá thành rẻ hơn nhà đầu tư khác. Vậy tại sao ta không đầu tư sản xuất điện? Nếu EVN đầu tư hiệu quả thì có thể tăng mức đầu tư, vay vốn, người dân sẵn sàng cho EVN vay nếu biết sản xuất có hiệu quả.

Ông Tri: Nếu đầu tư sản xuất điện thì mình EVN đầu tư không đủ, vay vốn ngân hàng chỉ được vay tối đa 70% trong khi đầu tư cho nhà máy điện cần rất nhiều vốn.

- Việc ban hành giá điện ngày nay khác gì so với trước đây, khi giá điện thuộc thẩm quyền của Ban Vật Giá chính phủ? (Tuyết Nhung, Bạn đọc VnExpress)

Ông Nguyễn Tiến Thỏa.

- Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục phó Cục Quản lý giá Bộ Tài chính: Trước đây ban hành các phương án tăng giá không phải do Ban Vật giá quyết định mà do Thủ tướng quyết định. Nay Pháp lệnh giá cũng thế quyền này thuộc về Thủ tướng. Trước đây, Ban Vật giá chỉ có trách nhiệm thẩm định giá dựa trên phương án đã trình. Phương án giá từ xưa đến nay đều giống nhau căn cứ vào nhu cầu, vào xã hội và cung cầu cũng như nền kinh tế. Giờ thì có một số yếu tố bổ sung nhưng xu hướng phương án xây dựng giá về cơ bản vẫn giống nhau. Nếu đầu tư vào ngành điện mà không thu hồi được lãi thì chắc chắn sẽ không có ai dám đầu tư vào.

Việc hình thành giá cả không thể tách rời nguyên lý chung. Chúng ta chưa thể làm như nước ngoài vì điều kiện của VN chưa bằng các nước nên chính sách của VN vẫn còn bảo hộ còn che chắn. Điện sinh hoạt vẫn thấp hơn điện sản xuất. Lần điều chỉnh này cũng không nằm ngoài xu thế chung ấy.

- Theo tôi, nên bỏ giá điện sinh hoạt kiểu bậc thang nhiều, nên áp định mức tiêu thụ hàng tháng cho mỗi hộ gia đình. Giá trong định mức như nhau, nếu vượt quá định mức sẽ chịu mức rất cao. Ví dụ mỗi hộ được dùng 150 hoặc 200 KWh điện, dùng trong định mức này giữ giá 850 đồng, nếu vượt chịu cao hơn. (Tuyết Khanh, TP HCM)

- Ông Quốc Anh: Cám ơn ý kiến đóng góp của độc giả. Để xây dựng biểu giá điện có rất nhiều yếu tố phải xem xét. Hiện biểu giá điện có rất nhiều nhược điểm. 100 kWh/hộ không phải định mức tiêu thụ hằng tháng mà là mức để được hưởng trợ giá. Tuy nhiên, chúng tôi xin tiếp thu để hoàn thiện trong việc xây dựng biểu giá tiếp theo.

- Nên tăng mạnh tiền điện kinh doanh đối với các nhà hàng, quán karaoke, sàn nhảy, các tụ điểm ăn chơi. Còn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thì tăng từ một định mức sử dụng nào đó. (Nguyễn Chí Kiên, 39 tuổi, [email protected])

- Ông Quốc Anh: Thực ra, trong việc xây dựng biểu giá điện phải căn cứ trên nhiều yếu tố, nên tăng cho sản xuất kinh doanh hay bất kể đối tượng nào phải căn cứ trên khả năng của đối tượng đó. Mục tiêu của chúng tôi là giảm bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất, đối với giá điện kinh doanh phải có mức điều chỉnh tương đối cao. Cao hơn nữa thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của bản thân doanh nghiệp đó.

Ông Phan: Tôi tán thành ý kiến của độc giả. Tuy nhiên, theo tôi nên điều chỉnh tăng ở khối hành chính sự nghiệp những nơi này vẫn còn tư tưởng xài điện chùa, do vậy, cần chia sẻ gánh nặng cho người tiêu dùng bằng cách tăng ở khối hành chính sự nghiệp.

- Nên có kế hoạch điều chỉnh giá mua từ các nhà máy phát điện một cách rõ ràng, mỗi khi có kế hoạch tăng giá bán lẻ. Nếu không sẽ không khuyến khích các đối tượng trong nền kinh tế bỏ vốn đầu tư vào ngành điện. (Hanh Tam, Phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM)

- Ông Quốc Anh: Theo tôi ý kiến này hoàn toàn đúng. Khi bỏ vốn vào đầu tư họ phải nhìn thấy hiệu quả. Do vậy, mục tiêu của chúng tôi là tăng hiệu qủa chung của ngành điện thì mới có thể tăng hiệu qủa của đầu tư. Mục tiêu của việc tăng giá điện là cải thiện bức tranh chung của toàn ngành điện. Còn về giá, theo quy định của Luật điện lực, giá cụ thể giữa bên mua và bên bán do họ tự thỏa thuận.

Ông Đinh Quang Tri.
Ông Tri: Thực chất là hiện nay EVN đang được giao mua của các nhà máy với giá cao, lỗ Chính phủ sẽ không bù. Yêu cầu ngành điện phải tự trang trải. Do vậy, chúng tôi phải mua điện với giá hợp lý và bán với giá phù hợp để không bị lỗ. Nếu chúng tôi mua giá cao mà chúng tôi bán rẻ thì chúng tôi sẽ bị lỗ. Trong năm nay trong tổng lượng điện sản xuất thì điện mua chiếm tới 22%.

EVN là nơi mua điện và chúng tôi biết đàm phán mua với giá cao hơn tính toán để sao khi tiến hành cổ phần hóa sẽ đảm bảo cho các cổ đông được lợi cổ tức từ 20% trở lên. Chính vì thế nhiều nhà máy thủy điện như Thác Bà, Yali sau khi chúng tôi mua, giá trị cổ phiếu hiện nay đã rất cao.

Ông Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Kinh tế Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội: Nếu tăng giá để thuận lợi cho nhà đầu tư thì không ổn. Nếu cứ mua điện với giá cao thì có rất nhiều tác hại, lát nữa tôi sẽ trả lời sau.

- Điều hoà, bình nóng lạnh ngày càng rẻ. Một cái tốn điện bằng 2-3 lần mức sử dụng điện của một hộ nông dân nghèo. Tại sao không đánh thuế thật cao các thứ trên, thay vì phải tăng giá điện? (Lâm Anh, Một độc giả)

- Ông Thỏa: Trước hết đây là một gợi ý hay vì trong VAT ngành điện đã có rồi. Truyền hình, máy lạnh dùng nhiều thì tiêu nhiều. Hơn nữa xu hướng thế giới giá cả ngày càng rẻ, không thể dùng giá điện để ngăn chặn người dân mua.

- Lấy ý kiến để tăng giá điện có thật sự là để tham khảo cho hoàn thiện thêm, hay chỉ làm lấy lệ trước khi trình Chính phủ? (Việt Lan, Một độc giả)

- Ông Quốc Anh: Việc lấy ý kiến hoàn toàn không phải hình thức mà theo quy định của Chính phủ nó thể hiện chính sách mới trong việc xây dựng cơ chế chính sách trên cơ sở đó cơ quan chức năng đánh giá và đưa ra phương án hợp lý rất. Tất nhiên, chúng tôi không thể làm vừa lòng hết mọi người được bởi mỗi người nhìn nhận phương án một cách khác nhau sao cho có lợi cho họ nhất. Do vậy, các ý kiến đó, chúng tôi sẽ căn cứ để đưa ra một phương án phù hợp thậm chí có thể thay đổi bằng một phương án mới không nằm trong 4 phương án đã trình nếu đây là một phương án hay và được đông đảo người dân lựa chọn.

Ông Phan: Tôi rất tin vào thiện chí lấy ý kiến để hoàn chỉnh cơ chế chính sách của ta. Tôi và nhiều người dân thấy rằng cách của ta không ổn. Thời gian lấy ý kiến quá ngắn. Cách đòi hỏi truy cập Internet là không phổ biến. Hiện mới có 2.000 ý kiến, so với hơn 80 triệu dân của cả nước là chẳng có ý nghĩa. Nhiều người nghi ngờ, trong số 2.000 thì 1.000 là cán bộ nhân viên ngành điện, rồi cán bộ nhân viên ngành điện.

Ông Tri: Đây là lần đầu tiên Bộ đưa ra, nhân dân có thể góp ý, sau này chúng tôi có nhiều cơ hội sửa đổi về phương pháp. Trong thời đại thông tin hiện nay, trên website nào có thông tin thì các báo giấy đều đăng hết cả, người dân không phải chỉ có thể tiếp cận thông tin trên Intenet. Trang web của Bộ chỉ là nguồn thông tin chính thức thôi.

Ông Quốc Anh: Tất cả những ý kiện này đều được chúng tôi tập hợp sau và đánh giá một cách nghiêm túc. Bản thân tôi, trong quá trình tập hợp cũng nhận thấy rất nhiều ý kiến hay. Ngoài trang web của Bộ chúng tôi còn tổ chức lấy ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp với nhiều cơ quan khác như hội người tiêu dùng....

- Theo điều tra trên VnExpress, có đến 88,5% ý kiến không đồng ý tăng giá điện. Xin bình luận về kết quả này? (Ngọc Huy, [email protected])

- Ông Quốc Anh: Việc tăng giá điện hay không phải dựa trên cơ sở tính toán rất chi tiết, cụ thể và tổng hợp của nhiều ngành, phải dựa vào tốc độ phát triển kinh tế, phát triển của ngành điện. Tổ công tác liên ngành đã dành nhiều thời gian để đưa ra phương án tăng giá điện. Yêu cầu của Chính phủ là tổ công tác này phải hoạt động hết sức độc lập, khách quan.

Chúng tôi có bản tổng hợp giá của nước ngoài. Số liệu năm 2005 do Ủy ban năng lượng quốc tế thống qua cho thấy, nếu so với các nước trong khu vực, giá điện bình quân của VN là thấp nhất. Thái Lan hơn 800 đồng (trong đó giá bán cho sản xuất là 991 đồng, bán cho sinh hoạt là 781 đồng), Đài Loan hơn 997 đồng, Malaysia 1.269. Nauy 95% là thủy điện, bình quân 1.436 đồng một kwh.

Ông Nguyễn Minh Phong.
Ông Phong: Nhưng nguồn cung của họ rẻ hơn hẳn.

Ông Thỏa: Tôi thấy so sánh của VN quy ra tiền cũng tốt để chúng ta tìm ra phương án hợp lý. Tuy nhiên, cần phải căn cứ vào nguồn điện tỷ trọng của nhiều ngành cộng lại. Chẳng hạn như tình trạng ,máy móc thiết bị khả năng chịu đựng của đất nước. Tỷ suất... nếu đồng tiền mất giá thì giá điện không thể tăng lên. Những so sánh này sẽ là khập khiễng bởi đời sống dân VN chưa thể bằng các nước được.

Ông Phan: Tôi đã làm thủ một vài con tính, nếu so sánh sức mua của ta thì giá điện của VN là cực kỳ đắt.

Ông Phong: Sản xuất dịch vụ và công nghiệp hai khái niệm gần với nhau. Nếu tách ra rất khó do vậy, điểm này cần phải tính toán lại.

Ông Quốc Anh: Cái này là tính theo tỷ giá. Dù là so sánh khập khiễng. Nếu nói về sức mua thì phải có một tính toán khác để quy đổi. Việt Nam để có một nhà máy điện thì vẫn phải nhập khẩu thiết bị, giá nhập khẩu thiết bị thì đắt. Ở viện Thống kê của trung tâm thống kê quốc gia, tổng chi phí tiền điện trong chi tiêu của người dân chiếm 5% ở thành thị và 2% ở nông thông. và bình quân là 408 nghìn 1 người/năm.

Chi phí tiền điện này là 1 trong 10 yếu tố trong rổ hàng hóa tính chi phí chung ở xã hội. Nó không ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, dịch vụ và cuối cùng là ảnh hưởng tới đời sống. Nếu điều chỉnh giá đối với sản xuất thì chúng tôi luôn thận trọng. Mục tiêu của chúng tôi là khuyến khích doanh nghiệp bố trí lại sản xuất bằng cách chuyển giờ sản xuất từ giờ cao điểm xuống giờ thấp điểm.

Ông Thỏa: Nếu chỉ căn cứ vào sức mua tương đương mà không căn cứ vào thu nhập là không được.

Ông Phong: Tại sao không so với Trung Quốc?

Ông Tri: Hãy so sánh với người bạn của chúng ta, Campuchia thì giá điện của ta rẻ hơn rất nhiều. Cái mạnh của chúng ta là có điều kiện tự nhiên thuận lợi để thấy rằng ta sản xuất được điện với giá điện rẻ.

Ông Đỗ Gia Phan.
Ông Phan: Tùy vào chính sách của từng nước. Ví dụ tôi không nghĩ chính sách của Campuchia là khuôn vàng thước ngọc. Nó sẽ rất khập khiễng.

- Đồng ý giá có tăng có giảm. Nay tăng rồi, liệu có khi nào giảm giá xuống không? (Trang Thu, 39 tuổi, Hải Phòng)

- Ông Quốc Anh: Theo tôi giá điện của VN có thể đạt khi đã có sự bão hòa về nhu cầu sử dụng điện. Thực tế hiện nay mức tiêu thụ điện năng bình quân 550 kwh, bằng 1/12 của Hong Kong và thấp hơn nhiều so với các nước khác như Hàn Quốc, Malaysia...

Để đạt được như các nước tiên tiến, VN cần có nhiều thời gian hơn. Theo kế hoạch đến năm 2009 thị trường cạnh tranh sẽ phát triển hoàn chỉnh. Với các nguồn và lưới điện mới, hy vọng đến 2010 chúng tôi sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng mất cân bằng cung cầu điện,

giúp thị trường phát triển hoàn hảo. Chúng tôi hy vọng giá phát điện được thị trường hóa, có thể xây dựng được giá bán lẻ theo thị trường và việc tăng hay giảm giá bán điện phụ thuộc vào thị trường chứ không phải là của các cơ quan chức năng.

- Ngành điện phân tích là đợt tăng giá mới không tác động lớn tới đời sống kinh tế xã hội. Tôi không đồng ý như vậy, giá điện liên quan đến nhiều người và nhiều ngành. Các tác động của chúng có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc, chứ không đơn giản và nhẹ nhàng như cách tính của ngành điện. (Trần Văn Hải, [email protected])

- Ông Thỏa: Tôi rất tán thành ý kiến của độc giả. Với trách nhiệm của mình Bộ Công nghiệp đã tính đến tác động đến sản xuất của đời sống nhưng các bộ khác cũng sẽ phải tính tác động của nó đến chỉ số giá, lạm phát, nền kinh tế...

Khi chuẩn bị phương án điều chỉnh giá chúng tôi cũng tính đến lộ trình tăng giá điện cùng với tỷ giá, huy động vốn... mục tiêu tăng trưởng. Toàn bộ 28 công trình đều được chúng tôi đưa vào tính toán và dự đoán tốc độ tăng giá năm 2006 sẽ thấp hơn tốc độ tăng trưởng và dưới 8%. Nếu tăng giá điện thì tác động đến nền kinh tế cũng đáng kể bởi nó tác động quay vòng trực tiếp và gián tiếp nên rất khó quy ra con số hay giá tiền mà nó tác động.

Nếu chỉ tính tác động đến sản xuất đời sống và quy ra tiền thì không chuẩn. Ở các nước các chỉ số tính toán đều cố định nhưng VN không thể làm thế, VN không thể cố định về tham số. Nếu không có đột biến của giá xăng dầu, sắt thép... thì chỉ số giá sẽ đạt được mục tiêu quốc hội đề ra. 3 tháng đàu năm nay, tốc độ tăng giá quay trở lại những năm trước.

Ông Quốc Anh: Khi chúng tôi tính toán, với sản xuất giá điện tăng 4% thì giá thành của sản phẩm công nghiệp ví dụ như thép, xi măng, than thì mức tăng giá thành chỉ vào khoảng 0,04-0,9% mà thôi.

Ông Tri: Tôi xin ngắt lời. Nếu nói công bằng thì sao không thử hỏi ngành điện có được công bằng so với các ngành khách hay không. Các ngành khác đều được định đoạt theo giá thị trường nhưng ngành điện thì do Chính phủ quyết định điều này có công bằng không.

- Đồng lương gia đình hưu trí như nhà tôi, e không kham nổi việc tăng giá điện. Mong những nhà chức trách xem xét kỹ rồi hãy quyết định. Kêu gọi tiết kiệm hơn hay tăng giá hơn. (Tran Anh Nguyet, [email protected])

- Ông Quốc Anh: Đúng là tăng giá điện thì dù với bất kỳ hình thức nào cũng sẽ tác động tới các hộ sử dụng điện. Những người có thuy nhập thấp thì bị tác động nhiều nhất vì những giá điện tăng thì giá các dịch vụ khác tăng theo nên sẽ có tác động tới chi phí sinh họat của các giá đình.

Tôi xin chia sẻ lo lắng trên của độc giả. Tuy nhiên, nếu giá điện không được điều chỉnh thì không đảm bảo vốn đầu tư và không thực hiện được đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện cho sản xuất.

Tôi vừa đọc trên báo, Chính phủ đã có chủ trương tăng lương cơ bản, đấy cũng là một hành động của chính phủ nhằm giảm bớt khó khăn của các gia đình, đặc biệt là những gia đình hưu trí.

- Bộ Công nghiệp có kế hoạch gì để hỗ trợ hay hướng dẫn doanh nghiệp trong ngành hạn chế tác động tăng giá điện đối với sản xuất toàn ngành? (Trần Hùng, Hải Dương)

- Ông Quốc Anh: lo lắng của doanh nghiệp hoàn tòan đúng. Có điều mục tiêu của tăng giá lần này, chúng tôi vẫn đảm bảo công bằng giữa điện sinh hoạt và sản xuất. Độc thời, chúng tôi vẫn duy trì mặt bằng sản xuất đưa về mức cạnh tranh được với các nước trong khu vực. 4 phương án đều chung giờ thấp điểm giữ nguyên chỉ tăng giờ cao điểm. DN nên ủng hộ chính phủ nên chuyển giờ cao điểm sang giờ thấp điểm đồng thời triển khai các chương trình tăng hiệu suất sử dụng điện.

- Điện là đầu vào của tất cả các loại hàng hoá, nếu tăng giá sẽ làm khó doanh nghiệp khi cạnh tranh, dẫn tới làm suy yếu nền kinh tế của chúng ta. (Phạm Văn Dũng, [email protected])

- Ông Phong: Rất mừng vì độc giả nhìn nhận vấn đề một cách rất tổng quan, chứ không phải vì lợi ích cá nhân. Tôi băn khoăn mục tiêu của đợt tăng giá lần này là gì? Là lấy vốn đầu tư? Là giảm bù chéo? Nếu đặt mục tiêu lấy vốn phát triển ngành điện, kích thích sản xuất thì tôi có thể chỉ ra 4-5 phương án, ví dụ phát hành trái phiếu Chính phủ, nhân dân sẵn sàng. Thứ hai là cổ phần hóa. Thứ ba là tự do đầu tư.

Ông Tri: Tất cả giải pháp anh đưa ra Chính phủ đều đã chỉ đạo. Ngành điện ở đây tôi xin nói thêm không phải là tổng công ty điện mà bao gồm nhiều công ty khác nữa.

Ông Phong: Cần phải phân biệt ngành điện với một công ty quản lý và hoạt động quá kém. Rất nhiều doanh nghiệp bán nhưng không ai mua, tôi đã nghiên cứu điều này 25 năm và đủ cơ sở để nói.

Ông Thỏa: Tôi cũng muốn nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn, phải xem lại trách nhiệm của người sử dụng điện. Phải có cả hai phía, nhà sản xuất và người sử dụng. Phải ứng xử như thế nào trong mối quan hệ này.

Ông Quốc Anh: Điện mua hiện chiếm đến 20% và càng ngày sẽ càng tăng lên. Bây giờ ngành điện đang làm việc này. Khi xây dựng mức tăng giá là bao nhiêu chúng tôi căn cứ vào điều hành giá và xác định tăng bao nhiêu thì ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống xã hội.

- Tăng giá điện còn tác động lớn đến các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là làn sóng đầu tư nước ngoài sau khi Việt Nam gia nhập WTO. (Hoa Ngoc Ha, [email protected])

- Ông Tri: Khi nhà đầu tư nước ngoài vào, giá điện với họ được đặt xuống hàng thứ. Điều họ quan tâm là chất lượng điện cung cấp như thế nào. Họ muốn được cung cấp điện ổn định, họ sẵn sàng trả giá cao. Cóc những sản phẩm chi phí điện chỉ chiếm 2-3% trong giá thành, họ có thể tiết kiệm được.

Họ cũng đã so sánh giá điện của mình với giá của các nước khác và giá của mình cũng không hề cao hơn. Lần này giá sản xuất không biến động lắm.

Thực chất đối với các nhà đầu tư là giá điện tăng không ảnh hưởng gì, nhưng nếu chúng ta không cung cấp điện đầy đủ thì họ sẽ bỏ đi. Vừa rồi ở Trung Quốc đã xảy ra hiện tượng cung cấp điện không đầy đủ và nhà đầu tư đã bỏ đi.

Giá điện cũng là một yếu tố, nhưng không phải là yếu tố số một để thu hút đầu tư. Bây giờ tôi rất lo, nếu họ vào nhiều thì chúng ta sẽ càng thiếu điện.

Ông Phong: Đấy là ông Tri mới tính đến tác động trực tiếp chứ chưa tính tổng thể xã hội. Đúng là nhà đầu tư nước ngoài họ căn cứ vào hiệu quả chứ không phải một yếu tố nào. Các anh phải phân biệt nhà đầu tư nước ngoài ngay chính sản phẩm của họ. Nếu phương án đưa ra mà phân biệt giữa giá sinh hoạt với giá sản xuất thì các nhà đầu tư sẽ cảm thấy bất bình đẳng.

- Gần 15.000 tỷ đồng thu được từ tăng giá điện liệu có bù đắp nổi phần tác động tiêu cực của tăng giá điện đối với các ngành sản xuất và đời sống dân cư? (Phi Long, 39 tuổi, Vũng Tàu)

- Ông Quốc Anh: Thực ra, mục tiêu hàng đầu của tăng giá điện là cân bằng tài chính của ngành điện để qua đó tăng thu hút đầu tư. Chính phủ đang thực hiện 9 giải pháp để thu hút vốn đầu tư, như vay vốn các ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu trong nước, giành 36 dự án điện với vốn 100.000 tỷ để kêu gọi đầu tư. Rất nhiều dự án đầu tư nước ngoài nhưng chưa có dự án nào dành cho điện là vì họ còn chờ động thái của chính phủ trong việc cải thiện ngành điện.

Theo tôi, hiệu quả của việc tăng điện mang lại rất lớn, nó giúp cải thiện môi trường đầu tư và từ đó các giải pháp mà chính phủ đưa ra để hút vốn đầu tư như cổ phần hóa, phát hành trái phiếu... mới hiệu quả được.

Ông Phong: Nhật Bản đã chấp nhận lãi suất điện bằng 0% trong vòng tới 10 năm. Mình lãi suất 3% cơ mà.

Ông Thỏa: Tôi cũng lo lắng những tác động tiêu cực của nó song cũng cần đưa ra những giải pháp đánh đổi. Cái nào quan trọng thiếu điện hay những va đập khác. Chắc chắn nếu thiếu điện nghiêm trọng sẽ nguy hiểm không. Kinh nghiệm của các nước, không đủ điện dùng... mới là cái lớn. Do vậy, giảm thiểu tiêu cực bằng các biện pháp che chắn khác. Nhà nước cũng cần có biện pháp bình ổn giá tất nhiên không thể bằng các biện pháp hành chính mà ngăn chặn những hành vi tăng giá ăn theo. Đòi hỏi bản thân người tiêu dùng phải có phương án giá. Bản thân ta đòi hội nhập mà vẫn muốn bảo hộ thì còn lâu mới phát triển được.

Ông Phong: Chúng ta phải phân biệt vấn đề phát triển ngành điện khác hẳn với tăng giá điện lần này. Lãi từ ngành điện 3% cơ mà, không hề lỗ.

Ông Quốc Anh: Chính phủ vừa phát hành trái phiếu quốc tế rất thành công. Bản thân ngành điện cũng đang chào bán cổ phiếu với lãi suất cao 9,6% nhưng vẫn chưa là giải pháp. Chúng tôi có 36 dự án bày sắn và mời các nhà đầu tư vào nhưng vẫn chưa có dự án nào được triển khai.

Ông Tri: Trong hai phương án, tăng giá điện là phương án xấu mà thiếu điện cũng là phương án xấu. Tăng giá điện bản thân chúng tôi cũng không muốn bởi vì về nhà, chúng tôi phải trả thêm tiền. Nhưng nhìn góc độ nền kinh tế, thiếu điện sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều. Chẳng hạn một ngày thiếu điện ở Matxcơva thì tổn thất 100 tỷ USD. Lãi 1 tỷ đồng đối với doanh nghiệp nhà nước cũng là lãi, quan trọng là làm sao để thu hút vốn đầu tư.

Ông Phong: Tôi ủng hộ tăng giảm giá điện theo thị trường, tuy nhiên 4 phương án đưa ra chưa phải là lựa chọn bắt buộc. Có thể phương án thứ 5, nhặt nhạnh ở mỗi phương án ra một phương án phù hợp nhất. Không thể dọa nhân dân rằng mất điện một ngày sẽ mất mấy chục tỷ là không phù hợp.

- Đề nghị cho biết thực hư tình hình thiếu điện trong thời gian tới ra sao? Dự báo ngay mùa hè này thế nào? Nói là thiếu điện nhưng sao ta còn bán điện sang Trung Quốc, Campuchia? (Hoa Ngoc Ha, 39 tuổi, [email protected])

- Ông Tri: Thiếu điện năm 2006 báo đã nói nhiều, chúng tôi cố gắng cuối tháng 12 tích nước hồ Hòa Bình lên 117m và giữ cho đến tháng 5-6 để có đủ điện cung cấp. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào nhu cầu phụ tải ở phái Bắc, nếu nhu cầu sử dụng vẫn tăng 30% như năm ngoái thì khả năng thiếu điện vẫn có thể xảy ra. Có thể nói tình hình điện trong năm 2006 vẫn đang trong tầm kiểm soát. Năm 2007 thì khả năng thiếu điện có khả năng xảy ra. Vừa rồi chúng tôi đã phải đàm phán với Trung Quốc để mua thêm. Và không có chuyện chúng ta bán điện cho Trung Quốc. Còn việc bán điện cho Campuchia là một chính sách của Chính phủ trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Giá điện của họ hiện ở mức trên 20 cent/kwh và cũng không có đủ để dùng, họ buộc phải mua của VN.

Ông Phan: Tôi cũng rất thông cảm với ngành điện nhưng tôi vẫn thấy có điều gì đó không ổn. Nếu đắt mà vẫn phải mua nếu xét bài toán kinh tế thì không ổn với nền kinh tế thị trường. Bây giờ làm ăn lời ăn lỗ chịu chứ không thể căn cứ vào lợi suất sau đó tính ra giá thành.

Ông Phong: Nói như thế thì giá điện của VN vẫn cao so với các nước.

- Tại sao không tập trung vay vốn thông qua phát hành công trái, hay vay vốn nước ngoài để đầu tư mới? Điện lực vừa được vay vốn nước ngoài 200 triệu USD. Vậy tại sao còn bắt dân đóng góp thông qua tăng giá? (Hong Van, [email protected])

- Ông Tri: Chúng tôi rất muốn vay để đầu tư, nhưng người cho vay không bao giờ cho vay toàn bộ dự án. Họ yêu cầu chúng tôi phải bỏ ra ít nhất 25%, số còn lại mới được vay. 25% lấy từ qũy đầu tư phát triển, khấu hao cơ bản. Hiện nguồn vay nước ngoài chiếm 50%. Vay trong nước 350 nghìn tỷ đồng, ngân hàng cam kết cho vay 18 nghìn tỷ đồng. Nhưng Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng phải cho vay ở mức tối đa, ngân hàng nâng lên 39.000 tỷ đồng.

- Nếu thiếu vốn đầu tư, doanh nghiệp phải tự huy động từ các nguồn khác nhau. Vậy mà ngành điện lại buộc người tiêu dùng gánh đỡ. Phải chăng ngành điện được ưu đãi hơn ngành khác? (Lương Đức Thắng, TP HCM)

- Ông Tri: Chúng tôi muốn sớm có cơ chế thị trường cho ngành điện. Thị trường cạnh tranh thì chúng tôi sẵn sàng nhưng làm như thế ngay thì giá điện sẽ tăng cao hơn nên phải làm tự tự. Đừng ảo vọng khi cạnh tranh ra thị trường giá điện sẽ rẻ, không ông nào dám hạ giá thành khi ông kinh doanh không có lãi.

Ông Phan: Do điều kiện lịch sử để lại ngành điện có độc quyền tự nhiên nên cách điều hành cũng khác. Vì độc quyền nên nhà nước phải duyệt giá. Có vấn đề là người tiêu dùng vẫn bức xúc, họ cho rằng ngành điện lãng phí rất nhiều, tại sao không tiết kiệm để có vốn tái đầu tư. Tôi nghĩ, ngành điện phải công khai cách tính giá điện cho người dân. Tất cả chi phí, nhân công, thu nhập ngành điện để người dân người ta hiểu được và một khi người dân hiểu được thì họ sẽ đồng cảm với việc tăng giá của ngành điện. Họ thậm chí sẵn sàng ủng hộ việc tăng giá điện nếu điều đó là cần thiết và hợp lý.

Ông Tri: Ý của ông Phan hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, tôi khẳng định, tài chính của EVN đều công bố tài chính không chỉ các tổ chức trong nước mà cả các tổ chức thế giới cho vay. Chúng tôi đã báo cáo phương án và công khai tài chính với các tổ chức. Lần sau chúng tôi cũng sẽ mời hội bảo vệ người tiêu dùng. Chúng tôi không để đi giải thích cho tất cả 80 triệu dân được

- Xin cho biết giá thành sản xuất ra 1 kWh điện là bao nhiêu? Lỗ lãi của ngành điện trong những năm gần đây thực hư là như thế nào?. Nghe nói, năm ngoái, ngành điện vẫn lãi 2.000 tỷ đồng. (Nguyễn Văn Vũ, [email protected])

- Ông Tri: Nếu tự sản xuất giá thành chỉ 452 đồng/kWh. Mua của các nguồn khác thì giá là 681 đồng/kwh. Nếu không phải mua bên ngoài thì chúng tôi lãi to. Ngành điện chỉ lãi 1.000 tỷ đồng một năm.

Ông Phong: Tôi có hai câu hỏi dành cho anh Tri. Thứ nhất càng ra thị trường giá điện sẽ càng tăng. Thứ hai, anh giải thích thế nào là một công nhân đạp máy khâu lương tháng chỉ 450 nghìn đồng, trong khi người đi thu tiền lương tháng tới 2 triệu đồng. Vậy xin anh thử đánh giá công bằng xã hội ở đâu?

- Theo tôi, nếu sử dụng hiệu quả nhân lực, quản lý vốn chặt chẽ, tránh được tình trạng thông đồng giữa nhà đầu tư và các nhà dự thầu thì EVN có thể tiết kiệm được khá nhiều kinh phí để tái đầu tư, mở rộng lưới điện. (Một Độc Giả, Q6, TpHCM, [email protected])

- Ông Tri: Tôi nghĩ, tiền lương thu nhập theo thống kê của Bộ Công nghiệp lương chỉ đứng thứ 30-31 không phải là cao thực tế rất nhiều kỹ sư giỏi bỏ sang các tổ chức nước ngoài. Đó là vấn đề đau đầu. Có thể lương của kỹ sư đối với các công nhân ngành dệt may được. Nếu một tiến sĩ làm 2-2,3 triệu đồng một tháng thì người ta sẽ bỏ ngay.

Ông Phan: Người tiêu dùng vẫn thắc mắc là tỷ lệ thủy điện chiếm rất cao, trong khi đó giá nhân công của VN cực rẻ, mặt bằng sinh họat cũng rất rẻ. Tại sao giá điện vẫn cao?

Ông Quốc Anh: Theo nghiên cứu của chúng tôi trong năm 2005, phần bù chi phí giữa chênh lệch giá mua điện và bán lại là 2.800 tỷ đồng. Nhà nước không bù cho mà EVN phải tự phấn đấu giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động để bù vào.

- Xin cho biết tỷ lệ thất thoát vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong ngành điện là bao nhiều phần trăm? (Đinh Xuân Quý, Hải phòng)

- Ông Tri: Thất thoát chỉ xảy ra khi có tiêu cực, tham nhũng. Nếu giám sát chặt, không thể có tiêu cực. Chúng tôi không thể nói 100% công trình không có thất thoát, nhưng hiện nay chưa phát hiện ra vụ việc nào, trừ vụ điện kế điện tử. Năm nào ngành điện cũng được một cơ quan độc lập tiến hành kiểm toán.

- Đề nghị làm rõ chênh lệch giữa lượng điện sản xuất ra và lượng tiêu thụ thực tế hiện nay của ngành điện. Trong đó hao hụt tự nhiên là bao nhiêu, khi truyền tải là bao nhiêu và do sự quản lý lỏng lẻo là bao nhiêu? (Kiet, [email protected])

- Ông Tri: Tổn thất trên đường dây là 11,76% thực hiện năm 2005. Bao gồm hao hụt trên đường dây truyền tải rồi đến tận ngưuời tiêu dùng. Tổn thất này có hai phần: tổn thất thương mại và tổng thất kỹ thuật. Tổn thất kỹ thuật là bất khả kháng, điện đi qua dây dẫn bao giờ cũng có tổn thất, khoảng 7-8%, nó phụ thuộc vào tiết diện của dây. Còn hao hụt thương mại thực chất là hiện đã không còn nữa, hao hụt này chỉ có nếu xảy ra hiện tượng ăn cắp.

Trước đây hao hụt thương mại là khoảng 25%, do có hiện tượng cả xóm dùng chung công tơ hoặc dùng khoán. Giờ đây hiện tượng này đã hầu như không còn nữa.

Ông Quốc Anh: Theo nghiên cứu của chúng tôi trong năm 2005, phần bù chi phí giữa chênh lệch giá mua điện và bán lại là 2.800 tỷ đồng. Nhà nước không bù cho mà EVN phải tự phấn đấu giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động để bù vào.

- Suất sinh lời của một số nhà máy điện đã cổ phần hoá là 12%. Vậy tại sao suất sinh lợi bình quân của ngành điện chỉ là 3%? (Hanh Tam, Phường 26, Quận Bình Thạnh)

- Ông Tri: Muốn cổ phần hóa để thu hút vốn đầu tư thì phải nâng giá mua của nhà máy lên. Tỷ lệ cổ tức mà công ty đó được hưởng phải 12%. Ví dụ Phả Lại chúng tôi bán 760 tỷ đồng, nhưng người ta mua chỉ hơn 630 tỷ đồng.

- Xin hỏi hệ thống mạng di động mới khai trương của EVN đang sử dụng nguồn vốn đầu tư từ đâu? Tiền lãi từ hoạt động này có tái đầu tư vào ngành điện hay không? (Trần Cao, 39 tuổi, Hà Nội)

- Ông Tri: Kinh doanh viễn thông là một ngành hiệu quả cao, EVN đang định hướng trở thành tập đòan kinh doanh đa ngành, viễn thông cũng là một ngành sản xuất. Nguyên tắc chúng tôi là công ty con kinh doanh viễn thông sẽ phải tự vay vốn trên thị trường và đầu tư mạng di động và phải chịu trách nhiệm tự hoàn vốn chứ không có chuyện lấy từ điện sang. Họ cũng phải tự hạch toán kinh doanh.

Nhìn chung kinh doanh viễn thông rất có lãi, việc ngành điện đầu tư vào viễn thông rẻ hơn rất nhiều so với các ngành khác nếu muốn đầu tư.

- Hiện nay lượng điện chi vào quảng cáo, trang trí nơi công cộng rất lãng phí. Tại sao chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu? (Nguyen Anh Kiet, [email protected],)

- Ông Quốc Anh: Chủ trương tiết kiệm điện là chủ trương chung của Chính phủ, bản thân tăng giá điện cũng nhằm mục tiêu tiết kiệm điện, đồng thời đây cũng là giải pháp chống thiếu điện và đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế. Chúng tôi luôn kêu gọi khách hàng tiết kiệm điện, bởi làm được điều này mới giảm được nguy cơ tăng giá.

Ông Phong: Chúng ta phải hiểu khái niệm lãng phí một cách toàn diện hơn. Chi cho quảng cáo là rất tốt, không phải ngẫu nhiên các công ty lớn trên thế giới chi rất nhiều tiền cho quảng cáo trang trí. Còn về điện cho công cộng thì lợi ích rất lớn, một là đảm bảo an ninh, hai là thẩm mỹ đô thị.

Ông Tri: Chúng tôi đang chỉ đạo ráo riết đề án tiết kiệm điện và vừa nhập về 1 triệu bóng đền Compak về để sử dụng tiết kiệm điện.

Ông Phan: Tôi nghĩ rằng hiện nay ý thức của người tiêu dùng đã khá tiết kiệm rồi bởi vì tiền điện với họ không phải là ít, nhưng kỹ năng để tiết kiệm họ còn lúng túng lắm. Theo tôi, cần phải có tuyên truyền, giáo dục tốt hơn cho người dân về các biện pháp tiết kiệm điện.
Trước đây, ngành điện đã đưa ra những biện pháp tiết kiệm nhưng gần đây không có. Cách đây vài năm ngành điện có dự án quản lý cầu, với dự án lớn như thế nhưng giờ họ thắc mắc không có triển khai ra đến dân. Họ muốn biến nghiên cứu này thành kết quả cụ thể.

- Không thể nói là thiếu điện nghiêm trọng được, khi mà vẫn còn tình trạng các văn phòng cơ quan hành chính sự nghiệp dùng thoải mái, để điều hoà, máy tính, đèn điện bật vô tư suốt ngày đêm. (Nguyễn Thanh Tân, [email protected])

- Ông Thỏa: Cảnh báo đó là hoàn toàn chính xác. Bây giờ nói con số lãng phí tuyệt đối là bao nhiêu thì rất khó bởi chưa có điều tra tương đối quy mô về vấn đề này. Các báo cáo cho thấy lãng phí ở cơ quan hành chính trên 10% một chút, nhưng tôi không tin con số này lắm, phải nhiều hơn thế nữa. Chi cho điện đang nằm trong khoản chi phí hành chính.

Ông Phan: Tôi đề nghị phải tăng giá khu vực hành chính sự nghiệp hơn nữa.

Ông Quốc Anh: Chúng tôi đã báo cáo đề án tiết kiệm điện lên Chính phủ và xin ý kiến. Các biện pháp khuyến khích tiết kiệm tôi nghĩ tất cả người dân đều biết và không có gì mới có điều hiệu quả đến đâu. Chẳng hạn Thái Lan, điều hòa chỉ được bật 9-16h đối với doanh nghiệp còn biển hiệu công cộng... đến 21h phải tắt. Tôi nghĩ các biện pháp này cũng rất hữu ích.

- Đồng nghiệp của tôi có chồng là trưởng phòng ở một công ty điện lực. Hằng tháng anh ta được khoán tiền điện thoại lên đến 1 triệu đồng. Chẳng nhẽ ngành điện ưu đãi cho cán bộ đến thế sao? (Văn Hà,, 39 tuổi, [email protected])

- Ông Tri: Đề nghị khán giả cho biết tên của người đó để chúng tôi kiểm tra lại, nếu đúng chúng tôi sẽ xử lý.

- Mùa hè này, cho dù tôi sẵn sàng trả giá điện tăng gấp đôi, gấp ba, gấp bốn hay gấp mười lần, liệu ngành điện lực có đảm bảo là điện sẽ không bị cúp không? (Nhan Dan, [email protected])

- Ông Tri: Nhà nước điều chỉnh giá điện chung, chứ không phải từng khu vực. Chúng tôi cũng đã trình chế độ giá riêng cho những khách hàng đặc biệt. Nếu khách hàng yêu cầu cao hơn với mức thông thường thì Bộ Công nghiệp có chính sách giá đặc biệt.

Ông Quốc Anh: Nếu giả sử khách hàng chấp nhận trả tiền cao gấp 10 lần giá điện hiện nay thì tôi sẵn sàng mua một máy phát điện đặt ở nhà khách hàng.

- Theo tôi, nên thay đổi mẫu hợp đồng bán điện hiện hành, theo đó phải ràng buộc trách nhiệm của ngành điện trong việc mất điện và khi cường độ điện chập chờn, không đủ mạnh. Hiện nay nhà nhà phải sắm ổn áp vì điện áp thường xuyên không ổn định. (Nguyễn Xuân Thuần, [email protected])

- Ông Tri: Đối với khách hàng đặc biệt thì họ có thể điều chỉnh hợp đồng. Còn tất cả các khách hàng khác đều phải theo quy định, chúng tôi không thể thỏa thuận riêng với từng khách hàng.

Ông Quốc Anh: Luật đã quy định rất rõ trong trường hợp xảy ra sự cố này ai là người chịu trách nhiệm. Đối với điện sinh hoạt, nếu đặt địa vị 10 năm trước mỗi nhà có 1 ổn áp, hiện nay nhiều gia đình quên khái niệm này rồi. Điều đó chứng tỏ chất lượng cung cấp điện bây giờ đã tốt hơn trước rất nhiều.

Ông Tri: Điều này cần phải nhìn nhận hai mặt. Bản thân chúng tôi phải cân đối đầu tư sao cho hợp lý, tất nhiên người tiêu dùng bao giờ họ cũng đòi hỏi sử dụng dịch vụ tốt nhất. Thực tế thời gian qua tình trạng biến áp quá tải diễn ra phổ biến chẳng hạn khu dân cư lúc đầu chỉ có vài nhà nhưng Chính quyền cho phép xây dựng nhưng đùng một cái ồ ạt xây nhà, biến áp vừa lắp xong đã quá tải.

- Ngày mùng 3 Tết Bính Tuất vừa rồi, hầu hết các khu dân cư trên địa bàn Hải PHòng bị mất điện khá lâu. Mỗi khi bất thình lình mất điện như vậy, chẳng thấy một quan chức nào nhận trách nhiệm hoặc có 1 lời xin lỗi. (Phạm Thị Hiền, [email protected])

- Ông Tri: Những sự cố bất khả kháng như nổ máy biến áp. Nhiều trường hợp có nơi ăn cưới vui vẻ bắn pháo hoa khiến cả máy biến áp nổ tung. Chúng tôi không thể đi từng nhà thông báo về sự mất điện trong trường hợp này được. Nếu có lịch cắt điện chúng tôi sẽ đăng trên báo, nhưng không phải ai cũng đọc báo, nói chung việc thông báo đến dân cư không phải dễ.

Về sự cố ở Hải Phòng, hai ngày trước đó tôi đến làm việc ở dưới đó, chúng tôi đã đề nghị là không được đốt pháo hoa nhưng mà rồi người dân vẫn bắn. Ý thức người dân không cao nên nhiều khi có những sự cố xảy ra là bất khả kháng.

Ông Quốc Anh: Tôi xin bổ sung là truyền hình cảnh báo rất nhiều về hiện tượng đốt pháo, gây sự cố cho lưới điện. Điều này phụ thuộc vào ý thức của người dân.

- Tăng giá là hợp lý. Nhưng tôi thấy trên tăng thì ít mà ở dưới tăng nhiều.Tôi đang chịu mức giá 1.200 đồng/kWh, vậy mà giá trần ngành điện công bố là 700 đồng. Mong rằng ngành điện xem xét lại để tránh việc cai thầu ở xã tự nâng giá cao hơn trên đề ra. (Trần Quang Tĩnh, Từ Sơn Bắc Ninh)

- Ông Tri: Theo quy định cảu Bộ Công nghiệp, những hợp tác xã được mua điện dưới 700 và không được bán vượt qua 700 đồng. Nếu người dân bị mua với giá cao họ phải báo cáo với Chính quyền thành phố để xử lý.

Ông Quốc Anh: Theo quy định của Chính phủ, giá trần là 700 đồng/kwh, các tổ chức kinh doanh điện của nông thôn đều phải xin phép và cam kết với ngành điện bán đúng giá. Trường hợp bán giá cao, người dân phải nêu đích danh đơn vị bán giá cao để chúng tôi xử lý, có thể rút giấy phép kinh doanh của họ.

Ông Tri: Đó là do từng địa phương trần là 700 đồng nhưng nhiều địa phương bán với giá 500 đồng. Điều này chúng tôi không quy định mà do các địa phương. Chính vì thế chúng tôi mới đề nghị tăng lên. Riêng phương án 1 là không tăng còn lại tất cả đều tăng.

Ông Quốc Anh: Hiện nay ngành điện đang tích cực bán điện trực tiếp cho người dân. Bản thân Chính phủ cũng triển khai dự án 200 triệu USD để nâng cấp mạng lưới điện ở địa phương, giảm tổn thất điện năng, đồng nghĩa với giảm giá điện.

- Chuyện của ngành điện hôm nay rất giống như những gì xảy ra với bưu chính viễn thông cách đây một số năm, khi trên sân chơi chỉ duy nhất một ông VNPT. Tại sao chúng ta chưa mở cửa ngành điện, để người dân có quyền hướng mức giá cạnh tranh và chọn lựa dịch vụ tốt? (Tuấn Việt, [email protected])

Tranh luận sôi nổi tại buổi tọa đàm.

- Ông Quốc Anh: Chúng tôi đã mở cửa ngành điện từ rất lâu rồi. Hiện các nhà máy BOT chiếm 20% tổng công suất hệ thống. Hiện chỉ độc quyền về truyền tải điện, còn sản xuất và phân phối điện thì từ năm 2004 đã bắt đầu cổ phần hóa.

Sở dĩ phải độc quyền truyền tải vì nó là xương sống của nành điện. Nếu xảy ra sự cố trong truyền tải sẽ ảnh hưởng đến an ninh hệ thống, rã lưới toàn bộ hệ thống như sự cố năm 2005 trên đường dây 500 KV. Không phải mỗi Việt Nam, các nước cũng độc quyền truyền tải điện.

Theo lộ trình sắp xếp, đổi mới ngành điện thì sẽ khách quan, minh bạch trong 3 lĩnh vực truyền tải, sản xuất, phân phối điện. Nhà nươc chỉ độc quyền truyền tải, thu phí truyền tải, còn sản xuất và phân phối sẽ thuê lưới điện của Nhà nước.

Ông Phan: Tôi xin hỏi ông Quốc Anh, tôi có đọc một tài liệu cho thấy, ở Hàn Quốc, người ta sẽ phi tập trung hóa phần nguồn điện và phân phối điện theo lộ trình như: Cạnh tranh trong phát điện là từ 2001 đến 2002, cạnh tranh trong bán buôn điện sẽ thực hiện trong giai đoạn 2003-2007, cạnh tranh trong bán lẻ là 2009. Đến 2009 họ sẽ phi tập trung hóa để minh bạch hóa giá thành. Ở VN thì sao?

Ông Quốc Anh: Lộ trình mà Hàn Quốc đề ra họ chưa thực hiện được. Ở VN lộ trình cạnh tranh cũng đã được vạch ra từ lâu. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp ngành điện. Trong đó, 13 công ty đang được triển khai và tiến tới cổ phần hóa 64 công ty khác. Chỉ có điều chúng tôi đang gặp khó khăn khi thu hút nhà đầu tư, chúng ta đang lẫn lộn giữa sản xuất kinh doanh và công ích. Chính phủ chưa có chính sách trợ giá cho những vùng sâu vùng xa... Chúng tôi muốn chính sách này rõ ràng.

Ông Phong: Nói gì thì nói thì ngành điện cũng là một trong những ngành chậm nhất trong các ngành trong vấn đề cổ phần hóa. Tuy nhiên tôi cũng thừa nhận ngành điện đã có sự chuyển biến tích cực thời gian gần đây. Theo quan điểm của tôi, cổ phần hóa là cổ phần hóa, còn tăng giá điện để tăng thu hút đầu tư là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Theo tôi, cách tốt nhất là phải thiết kế hệ thống pháp luật để nhà đầu tư được tự do kinh doanh phù hợp với thị trường. Đừng lấy mô hình cũ, hay tư duy cũ để so sánh quá trình cổ phần hóa của ngành điện với ngành khác. Tôi cho rằng các quyết định về giá điện phải cố gắng giảm thiểu chấn động trong xã hội, và phải tăng trách nhiệm của ngành điện lên, tăng sự minh bạch lên. Kinh nghiệm cho thấy, khi đã có sự cạnh tranh thực sự thì chắc chắn giá cả sẽ tốt hơn.

Ông Thỏa: Tôi hoàn toàn tán thành các ý kiến vừa phát biểu. Có hai cái ta cần đẩy mạnh là thiết chế cụ thể của lộ trình đó. Hai là phải tổ chức thực hiện đồng bộ lộ trình đó.

Ông Phan: Tôi cho rằng qua cuộc trao đổi này người dân sẽ hiểu vấn đề hơn. Điều tôi muốn nhấn mạnh là phải minh bạch hơn nữa, dân chủ hơn nữa. Khi người dân đã hiểu hơn, họ có thể sẽ cảm thông hơn với quyết định của ngành điện. Đôi với lộ trình tăng giá điện, trong bối cảnh giá cả các mặt hàng đang chao đảo như hiện nay, để đỡ gây chấn động trong xã hội tôi đề nghị chưa nên tăng giá điện trong lúc này.

Theo dòng sự kiện:
'Phải lựa chọn giữa tăng giá và mất điện' (16/03)
Doanh nghiệp chật vật đối phó với giá điện (15/03)
Điện tăng giá, lạm phát sẽ khó ghìm (15/03)
Bắt đầu trưng cầu ý dân về giá điện (14/03)
Ý kiến dân về giá điện chỉ để tham khảo (11/03)
Xem tiếp»