Nếu không muốn Huế bị trôi ra biển Đông
Lao Động xin giới thiệu bài viết của nhóm tác giả: Phan Văn Quýnh, Nguyễn Đình Nguyên, Hoàng Hữu Hiệp (ĐH Quốc gia HN) xung quanh mối đe doạ đối với Huế từ công trình thuỷ điện Hương Điền và Bình Điền - do Cty Sông Đà 19 thi công.
 | Công trình thuỷ điện Bình Điền. | Bao quát khu vực công trình là hệ thống đứt gãy trượt trái A Lưới, với đường phương 3100 (TB), đứt gãy trượt trái Huế với đường phương 2800. Xa hơn về phía đông đứt gãy Huế-Quảng Trị, đặc biệt là hệ biến dạng Ailaoshan-Calimantan (trong đó có đứt gãy Sông Hồng) chạy dài ngoài khơi vùng biển Huế mà liên quan với chuyển động của hệ thống này là các trận động đất ngoài khơi Vũng Tàu (8.11.2005) với cấp độ 5,1 độ richter và động đất ngoài khơi Nam Định (4.4.2006) với cấp độ 4,3 độ richter. Đáng ngại nhất là hệ thống đứt gãy trẻ theo phương B-N phát sinh trong Pliocen - Đệ tứ và đang hoạt động trong hiện tại, làm dịch chuyển hệ thống đứt gãy TB-ĐN hoạt động chủ yếu trong Oligocen cách đây đã 32 triệu năm.
Ở diện tích đang thi công công trình, thể hiện nhiều yếu tố bất lợi cho công trình.
Trước tiên, có thể nói công trình thuỷ điện Bình Điền - cách thuỷ điện Hướng Điền 16km về phía TN - nằm trên sông Tả Trạch và giống như sông Bồ, đều là phụ lưu của sông Hương.
Thuỷ điện Bình Điền xây dựng trên nền đá biến dạng dẻo các thành tạo granit. Đường phương của đá biến dạng là 2500, hướng cắm 3400 với góc cắm 500. Các khoáng vật thạch anh, fenspat đều biến dạng chứng tỏ chúng đã hình thành ở độ sâu trên 22km và nhiệt trên 4500 và đã bị một quá trình chuyển động nâng cao để bộc lộ trên bề mặt địa hình ngày nay. Các đứt gãy nhỏ của biến dạng giòn, với các mặt trượt thể hiện chuyển động trượt bằng phải đều hướng vào tuyến đập với đường phương là 1600.
Thuỷ điện Hướng Điền - nằm trên sông Bồ - xây dựng trên các đá trầm tích tuổi Devon (cách đây khoảng 350 triệu năm), về phía sau công trình là một đứt gãy phân cách thành tạo này với trầm tích Ocdovic-Silua, về phía trước là một đứt gãy phân cách thành tạo này với các thành tạo Devon khác và granit. Ngay sát công trình dẫn dòng là đứt gãy Xôn Xao cùng với hệ thống khe nứt đi kèm gây khả năng trượt lở là rất lớn. Một điều đáng lo ngại nữa là, nền móng của công trình là đá trầm tích phân lớp, bên cạnh các lớp cát kết thạch anh có độ rắn tốt thì lại xen kẽ các lớp bột kết, sét kết có độ mềm cao; bởi vậy nhìn chung nền móng công trình là yếu. Dọc theo mặt lớp có rất nhiều biểu hiện các dấu hiệu trượt theo mặt lớp (trượt về phía đông bắc) với tập hợp các khoáng vật Chlorit rất đặc trưng. Các phá huỷ kiến tạo đi song song với tuyến đập của thuỷ điện Bình Điền nằm trong hệ thống đứt gãy Bình Điền-Hướng Điền (điều trớ trêu là ở Huế cùng một lúc xây dựng hai công trình thuỷ điện và hướng đập lại vuông góc với nhau).
Đáng ngại nhất cho khu vực công trình đó là hệ thống đứt gãy trẻ B-N. Trên ảnh vệ tinh của Mỹ, thấy rõ đứt gãy Làng Ngòi-Tà Lai làm dịch chuyển cả đứt gãy Huế. Khảo sát thực địa cho thấy rất nhiều dấu hiệu trượt bằng theo phương B-N và Đ-T.
Địa hình núi phía tây đã tạo nên một bậc địa hình lý tưởng cho công tác thuỷ lợi, thuỷ điện ở Thừa Thiên-Huế, với một số đỉnh núi cao đến 668m (núi Bà Trục), 432m (núi Kim Phụng), nhìn chung chúng tạo nên một thế năng trượt lở về phía đồng bằng là rất lớn. Cơ chế trượt là chuyển động bascule - kiểu hình thái chuyển động rất phổ biến ở thềm lục địa Việt Nam.
Điều đáng nói ở đây là công tác khảo sát địa chất - với chi phí cho đến nay đã trên 7 tỉ (cho thuỷ điện Hướng Điền) - vẫn chưa xác định được vấn đề mấu chốt và có thể nói cả công tác đánh giá động đất, tuy rằng tai biến đang đe doạ ở đây chủ yếu là độ bền vững của công trình khi nền móng yếu kém.
Cần phải nhấn mạnh rằng, đứt gãy kiến tạo ở đây có tính hệ thống và sâu chứ không phải riêng lẻ. Bởi vậy, chưa thể nói công tác khảo sát địa chất vừa qua là đáp ứng yêu cầu và công tác xử lý hiện nay là rất đáng lo ngại.
Cầu chui Văn Thánh có thể đập đi làm lại được, song nếu thuỷ điện Hương Điền - với chiều cao đập lớn nhất lên đến 82,5m và Bình Điền mà đổ vỡ, thì thiệt hại khôn lường, trong khi Huế là một di sản văn hoá thế giới. Nếu người Huế không muốn trôi ra biển Đông thì rõ ràng, công trình cần được giám định nghiêm khắc.
(Theo kết quả nghiên cứu của dự án Việt-Pháp và một số kết quả mới bổ sung). |