Luật sư cho trẻ em: Bao giờ?
Các Website khác - 22/11/2005

>> Luật sư hiểu tâm lý trẻ sẽ bảo vệ trẻ tốt hơn!

>> Hiện hiếm có luật sư nào được đào tạo bài bản…

Trẻ vị thành niên trước vành móng ngựa. (Ảnh: Thanh niên)

Đề xuất thành lập toà án riêng xét xử vị thành niên phạm tội đang được nhiều người quan tâm. Nếu toà án này được thành lập sẽ có đội ngũ thẩm phán, luật sư… chuyên trách về trẻ em.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng không phải chờ đến lúc ấy mà ngay từ bây giờ, luật sư cần phải được đào tạo bài bản, khoa học để đào tạo trẻ một cách tốt nhất…

Hiểu tâm lý trẻ, bị cáo có lợi!

Mới đây, toà án quận Thủ Đức (TP.HCM) xét xử bị cáo H.ở tuổi vị thành niên về tội trộm cắp tài sản. Ở phần bào chữa, luật sư phân tích đặc điểm tâm lý, nguyên nhân nhận thức, ý chí… phạm tội của bị cáo dựa trên nền tảng khoa học tâm lý trẻ em. Điều này đã thuyết phục hội đồng xét xử nên trong phần nhận định, toà chấp nhận hầu như toàn bộ luận điểm bào chữa của luật sư.

Tương tự, trong một lần bào chữa cho bị cáo vị thành niên phạm tội cướp giật tài sản, luật sư Trần Công Ly Tao (đoàn luật sư TP.HCM) bảo vệ quan điểm bị cáo không hề có ý định phạm tội, không biết hành vi phạm tội, chỉ vô tình đi theo bạn bè… toà án nhận định lời bào chữa của luật sư là có cơ sở và đã tuyên bị cáo trắng án. Luật sư Ly Tao kể: “Tôi đã nhiều lần tiếp xúc với bị cáo, lắng nghe tâm tư của họ, đối chiếu với diễn biến thực tế của vụ án, thấy “lấn cấn” trong chuyện kết tội. Chính vì chưa an tâm nên tôi phải tham khảo thêm sách vở về tâm lý trẻ em…”. Theo ông, nếu không bỏ công tìm hiểu tâm lý, không trải nghiệm sẽ không bào chữa tốt cho trẻ.

Một vụ án khác ở quận 8 (TP.HCM), bị cáo còn nhỏ tuổi trong gia đình lại gặp chuyện khó khăn, suy nghĩ nông cạn nên đã trộm tài sản của người khác. Luật sư T. đã tìm hiểu rất kỹ tâm lý của bị cáo nên tại phiên xử, ông đã trình bày diễn biến tâm lý của trẻ khi gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Lời bào chữa của ông được toà chấp nhận…

Tuy nhiên, có nhiều luật sư bào chữa cho trẻ em mà như “nói với ai” ấy bởi họ không hiểu tí gì về tâm, sinh lý lứa tuổi mới lớn. Chỉ lý thuyết suông một câu đến “mòn lỉn”: trẻ người non dạ, không biết kiềm chế bản thân …

Tiếp cận tâm lý trẻ em: không dễ!

Nguyên nhân, ý thức phạm tội của bị cáo vị thành niên là rất quan trọng để hội đồng xét xử đánh giá mức phạm tội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều luật sư hay than phiền sau phiên xử: “Thân chủ của tôi lì lợm, bất cần quá. Tôi không hiểu được nó”

Có thực tế này vì luật sư chưa hiểu hết tâm lý luôn dao động của trẻ. Cạnh đó, những trẻ phạm tội hay rơi vào gia đình ít quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng mức, thường mang mặc cảm khép kín. Khi phạm tội,tâm lý khép kín này càng bộc lộ rõ hơn. Chính vì chưa đặt mình vào hoàn cảnh của trẻ nên luật sư khó khai thác hoặc khai thác không đúng. Theo một thẩm phán ở TAND TP.HCM, “nhiều luật sư hỏi bị cáo vị thành niên những câu hỏi mà ngay cả người lớn cũng khó trả lời thì lấy đâu ra bài bào chữa thuyết phục!”.

Theo bà Lưu Thu Thuỷ, giám đốc trung tâm nghiên cứu đạo đức công dân (bộ giáo dục và đào tạo), tâm lý trẻ vị thành niên cực kỳ phức tạp. Có những trẻ thuộc hoàn cảnh đặc biệt làm phát sinh khuyết tật tâm lý như lì lợm, sợ hãi, sống khép kín, sống bất cần. Do đó, trong khoa tâm lý học cũng phải chia thành nhiều ngành khác nhau để nghiên cứu về các em như tâm lý học trẻ phạm tội, tâm lý trẻ đường phố, tâm lý trẻ bị xâm hại… Chính vì vậy mà những người làm công tác pháp lý (luật sư, thẩm phán, công an…) nhất thiết phải được đào tạo, bồi dưỡng bài bản kiến thức tâm lý, kỹ năng chuyên môn về trẻ em. Nếu không thì khó có thể làm việc được với các em, khó giúp đỡ có hiệu quả.

Đào tạo là cần thiết!

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Giám đốc trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM:

Trung tâm chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về tâm lý trẻ, kỹ năng bào chữa cho trẻ cho các luật sư, cán bộ nhân viên của trung tâm. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu muốn học hỏi của luật sư. Họ mong muốn có nhiều khoá học hơn nữa để có thể tiếp cận có hiệu quả với trẻ phạm tội…

Tiếp cận trẻ em là điều không dễ và lại càng khó hơn ở chỗ luật sư chỉ nắm tâm lý trẻ em qua kinh nghiệm thực tiễn của họ. Theo luật sư Ly Tao, để có thể làm tốt, cần phải biết mình đang tiếp xúc với nhóm trẻ nào. Gặp các trẻ lì lợm, hoài nghi người lớn, bất cần đời… thì không thể dùng cách tiếp cận, nói năng đối với trẻ ngoan.

Ông đúc kết: với trẻ em, điều cần thiết là phải thể hiện được lòng nhân ái, người luật sư phải nhẫn nại, kiên trì để nhìn, nghĩ và cảm nhận “như đứa trẻ”, nếu chỉ đứng ngoài thôi thì không bao giờ bào chữa tốt được…

Đồng ý điều này, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: luật sư đã có kiến thức về tâm lý nhưng đây cũng chỉ là kiến thức chung, còn về tâm lý trẻ hầu như là con số không.

Vì thế để hiểu điều này, ngoài chuyện trải nghiệm, luật sư phải được học một cách bài bản. Nếu không sẽ khó phá những “tảng băng” trong trẻ khi nhập cuộc. Cùng quan điểm, luật sư Lý Thị Tố Mai (đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng kinh nghiệm đôi khi cảm tính nên có những giới hạn nhất định. Theo bà, để hiểu trẻ một cách khoa học, luật sư phải được đào tạo bài bản.

Rất nhiều luật sư ủng hộ ý tưởng trên. Tuy nhiên, hiện chỉ có trung tâm trợ giúp pháp lý TP.HCM để ý đến chuyện này bằng các buổi nói chuyện chuyên đề về trẻ vị thành niên. Còn lại đa phần các luật sư đều chưa được trang bị những kiến thức bài bản mà chỉ học hỏi một cách tự phát để bào chữa cho trẻ vị thành niên phạm tội.

Theo Pháp luật TP.HCM