Sau một tuần thực hiện nhập hộ khẩu thường trú theo tinh thần Nghị định 108 của Chính phủ, tiến độ thu nhận hồ sơ của cơ quan công an TP Hồ Chí Minh đã tăng lên. Chỉ riêng ngày 21-11, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13) Công an thành phố có gần 150 hồ sơ đủ thủ tục được tiếp nhận, gấp ba, bốn lần so với những ngày đầu. Một trong những nguyên nhân quan trọng là việc xác nhận tình trạng nhà của UBND các phường có nhiều cải tiến, thông thoáng hơn.
Tại UBND phường 8, quận 3, bà Trần Thị Thanh Nga, cán bộ phụ trách địa chính phường cho biết: "Tất cả các trường hợp người dân trong phường cần xác nhận tình trạng nhà đất để nhập hộ khẩu đều được ưu tiên giải quyết nhanh. Với những căn nhà mà cán bộ địa chính nắm rõ nguồn gốc, biết chắc không có tranh chấp, không vi phạm lộ giới thì xác nhận ngay; những căn cần xác minh cũng chỉ hẹn dân trong vòng một ngày, thậm chí trong một buổi. Nội dung xác minh cũng rất rõ ràng là nhà không tranh chấp, đã hoặc chưa hợp thức hóa và có hay không nằm trong khu vực bị giải tỏa". Cách làm này của phường 8 tránh cho người dân phải đi lại nhiều lần, được nhân dân đồng tình.
Thực tế việc nhập hộ khẩu trong một tuần qua cho thấy vướng mắc nhất ở khâu xác nhận tình trạng nhà, đất của những người đã có tạm trú dài hạn. Nhà mua bán sang tay, không tranh chấp thì đã rõ, còn nhà có nằm trong khu quy hoạch, có bị giải tỏa hay không thì UBND nhiều phường, xã lúng túng không dám xác nhận, một phần do chưa nắm được quy hoạch chi tiết hoặc như nằm trong khu quy hoạch "treo"... Tháo gỡ vướng mắc này, Cơ quan công an đề xuất, với những căn nhà chưa nhận thông báo thời gian giải tỏa cụ thể vẫn được coi là hợp lệ để người dân được nhập hộ khẩu thường trú.
Tuy nhiên, không phải người dân ở địa phương nào cũng gặp thuận lợi khi đến cơ quan công quyền xác nhận thủ tục hồ sơ. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, tạm trú dài hạn ở phường 17, quận Gò Vấp than thở: "Tôi chưa có nhà, muốn nhập hộ khẩu vào nhà người anh. Chủ hộ đồng ý nhưng cơ quan công an quận yêu cầu phải xin xác nhận tình trạng nhà của người bảo lãnh, mặc dù nhà anh tôi đã hợp thức hóa, được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Chấp hành hướng dẫn này, tôi làm đơn xin xác nhận nhưng cả công an lẫn UBND phường 17 quận Gò Vấp đều không chấp thuận vì cho rằng nhà của anh tôi "nằm trong khu quy hoạch".
Một trường hợp khác, bà Trần Thị Hoài Trang, tạm trú dài hạn ở phường 7, quận Phú Nhuận cũng gặp rắc rối khi xin đăng ký hộ khẩu thường trú. Gia đình bà Trang đi xây dựng kinh tế mới tại xã Phú Ðiền, huyện Tân Phú, tỉnh Ðồng Nai từ năm 1975. Năm 1976 gia đình bà quay trở về thành phố, nay muốn xin nhập hộ khẩu thường trú. Khi hỏi thủ tục, cán bộ tiếp dân Công an phường 7, quận Phú Nhuận yêu cầu phải quay lại nơi vùng kinh tế mới trước đây xin xác nhận của chính quyền địa phương. Bà phàn nàn: "Không biết nội dung xin xác nhận là gì, phải chăng là xác nhận trước đây từng ở địa phương? Vả lại gần 30 năm rồi, UBND nơi đó còn nhớ trường hợp của gia đình tôi không để mà xác nhận".
Tại phòng PC13, hằng ngày có rất đông người dân đến tìm hiểu thủ tục, điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú. Có người chưa hề tiếp cận, nắm bắt thông tin, cũng có người vì một vài vướng mắc nhỏ phải hỏi thêm... họ thường lúng túng không biết hỏi ai vì các bàn nhận hồ sơ đều đông, cán bộ đều bận. Họ mong muốn PC13 bố trí một cán bộ chuyên giải đáp các thắc mắc, đồng thời hướng dẫn cho từng trường hợp cụ thể để nhân dân đỡ phải đi lại nhiều lần, thậm chí chạy lòng vòng hết nơi này đến nơi khác.
|