Cứ “hàng” của Đông Nam là... khỏi cần kiểm
Trả lời thẩm vấn, Vũ Công Năm (SN 1966, nguyên nhân viên Chi cục hải quan Nội Bài, Hà Nội) khai đã cùng với Đặng Mạnh Quyền kiểm hóa hai tờ khai hải quan mang tên chủ hàng Đặng Anh Sơn. Trong khi Đặng Anh Sơn khai: “Bản thân không quen biết ai ở Hồng Công, chưa bao giờ làm thủ tục nhận hàng ở sân bay Nội Bài, chữ viết và chữ ký trong hai tờ khai này không phải của Đặng Anh Sơn”. Trong hai tờ khai hải quan khác mang tên Hoàng Lan Anh (vợ Nguyễn Quang Hoan) do Vũ Văn Nam và Cao Văn Nhật kiểm hóa, Hoàng Lan Anh cũng khai: “Không quen biết ai ở Hồng Công, chữ viết và ký trong hai tờ khai này không phải của Hoàng Lan Anh”.
Chỉ tính trong bảy tờ khai hải quan do Vũ Công Năm kiểm hóa số hàng của Công ty Đông Nam đã để 1.244 ĐTDĐ nhập lậu từ Hồng Công vào Việt Nam trị giá hơn 4,3 tỷ đồng. Thẩm vấn tại tòa, bị cáo Cao Văn Nhật (SN 1955, nguyên nhân viên Chi cục hải quan Nội Bài, Hà Nội) cũng khai, đã giúp cho Công ty Đông Nam buôn lậu với số lượng lớn thông qua việc kiểm hóa năm tờ khai hải quan, nhập lậu 888 điện thoại trị giá hơn 3,4 tỷ đồng.
Chủ tọa hỏi Nguyễn Văn Thụ (SN 1963, nguyên nhân viên Chi cục hải quan Nội Bài, Hà Nội), bị cáo này cũng thừa nhận kiểm hóa năm tờ khai hải quan để 904 ĐTDĐ nhập lậu trị giá hơn 2,2 tỷ đồng từ Hồng Công vào Việt Nam. Các bị cáo này thừa nhận thủ đoạn phạm tội hao hao giống nhau là: người nhận hàng dù không có chứng minh nhân dân, không có tên tuổi địa chỉ thật nhưng cứ hàng của Công ty Đông Nam là “cho qua”(?!).
Chủ tọa hỏi các cán bộ lãnh đạo thuộc Cục Hải quan Hà Nội về quy trình kiểm hóa thì các cán bộ này cho rằng, kiểm hóa như vậy là sai quy trình. Khi người nhận không có tên tuổi, địa chỉ, không có chứng minh nhân dân mà cho nhận hàng là không đúng. Đó là chưa kể các công đoạn kiểm hóa cũng không đúng quy định.
Số ĐTDĐ nhập lậu là bao nhiêu?
Để làm rõ số lượng ĐTDĐ nhập lậu, HĐXX cũng thẩm vấn các nhân viên hải quan và nhân viên Công ty Đông Nam trực tiếp tiếp nhận hàng lậu. Trả lời thẩm vấn trước tòa, Đỗ Liên Anh (SN 1969, nguyên là nhân viên Công ty Ðông Nam) thừa nhận có giúp Thiều nhập lậu 300 ĐTDĐ trị giá gần 1,5 tỷ đồng gửi theo đường phi mậu dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất là “Bị cáo làm theo chỉ đạo của Nguyễn Gia Thiều. Bị cáo là nhân viên, làm công ăn lương nên chủ sai việc gì thì làm chứ không dám làm khác” và trong phi vụ nhập lậu ĐTDĐ, bị cáo không biết số lượng là bao nhiêu.
Theo cáo trạng, Đỗ Liên Anh được Nguyễn Gia Thiều chi trả 25USD/chiếc. Không chỉ vậy, Đỗ Liên Anh còn lấy tên, địa chỉ của em họ mình là Tô Thị Lan Hương nhận 200 ĐTDĐ và Lê Đằng Giao đứng tên trên vận đơn nhận 100 ĐTDĐ. Theo tờ khai hàng phi mậu dịch gồm: sách, điện thoại cố định, dây cáp điện thoại... nhưng thực chất bên trong là ĐTDĐ.
Để lấy được hàng, Đỗ Liên Anh móc nối, thỏa thuận với Nguyễn Thị Vinh Quang (nguyên là nhân viên kiểm hóa Chi cục hải quan sân bay Tân Sơn Nhất) để không kiểm hóa ba lô hàng ĐTDĐ phi mậu dịch, ghi trên tờ khai hải quan hàng nhập khẩu không đúng thực tế. Đỗ Liên Anh đã chi cho Nguyễn Thị Vinh Quang 60 triệu, Lê Đằng Giao 8 triệu và chi phí nhận hàng 5 triệu đồng.
Khi trả lời thẩm vấn, Nguyễn Thị Vinh Quang thừa nhận có việc nhập 300 ĐTDĐ của Đỗ Liên Anh, mỗi lần có ĐTDĐ nhập về thì nhận tiền khoảng từ 14 đến 15USD/chiếc.
Nguyễn Gia Thiều nại ra rằng tất cả ĐTDĐ ở các đại lý của Công ty Đông Nam đều có hóa đơn chứng từ để dán tem bảo hành. Nhưng khi chủ tọa thẩm vấn Đặng Văn Hoa (nhân viên Công ty Đông Nam), người được Nguyễn Gia Thiều giao cho việc nhận các ĐTDĐ nhập lậu từ Hà Nội chuyển vào TP Hồ Chí Minh thì cho rằng không hề có hóa đơn chứng từ, khi nhận ĐTDĐ chỉ ký vào tờ giấy thôi chứ không phải hóa đơn.
Khi bị chủ tọa hỏi cụ thể về số hàng ĐTDĐ nhập lậu, Nguyễn Gia Thiều quanh co cho rằng: “Số lượng ĐTDĐ mà cáo trạng quy kết cho bị cáo buôn lậu là quá cao, không đúng với thực tế”. Chủ tọa hỏi: “Vậy số lượng đúng với thực tế là bao nhiêu?”. Thiều đáp: “Phải coi số lượng nhập vào trong 40 máy vi tính của công ty thì mới biết vì chỉ có số nhập vào máy vi tính là chính xác nhất”.
Chủ tọa cho biết, số lượng ĐTDĐ nhập lậu mà cáo trạng quy kết bị cáo chính là số đã lấy ra từ các máy vi tính của Công ty Đông Nam. “Đó là số hàng nhập lậu có ghi nhập vào máy vi tính, chứ thực tế còn cao hơn đúng không?”. Trả lời câu hỏi này của chủ tọa, Nguyễn Gia Thiều im lặng.
|