
|
Poster phim "Người Mỹ trầm lặng". |
Tiểu thuyết ấn tượng nhất về chiến tranh Việt Nam!
Thập niên 50 của thế kỷ trước, phố Ngô Quyền vẫn còn mang đậm vẻ cũ kỹ của một con phố có dáng dấp châu Âu nhất Hà Nội với quán cà phê ngoài trời kiểu Pháp nằm trong khuôn viên khách sạn Metropole. Khách sạn cổ kính với toà nhà lịch sử Metropole wing 3 tầng, hai sảnh lớn đều trông ra hai con phố đẹp nhất là phố Ngô Quyền và phố Lý Thái Tổ, được xây dựng từ năm 1901 bởi người Pháp.
Khách sạn cổ kính này đã đón bước chân của không ít các nhận vật trứ danh, trong đó có nhà văn Anh Graham- cha đẻ cuốn tiểu thuyết lừng danh The quiet American (Người Mỹ trầm lặng) hai lần được chuyển thể thành phim. Lần thứ nhất năm 1957, đến năm 2001 - lần thứ hai bộ phim này được Australia hợp tác với hãng phim Giải phóng - Việt Nam sản xuất đã gây được tiếng vang lớn.
|
Một cảnh trong phim "Người Mỹ trầm lặng". |
Nhiều đại cảnh được quay tại Hà Nội và Sài Gòn. Ngoài các diễn viên nổi tiếng trên thế giới như Brendan Fraser, Michael Caine... còn có các diễn viên Việt Nam như Mai Hoa, Hải Yến, ca sĩ Hồng Nhung, Quang Hải... cùng tham gia bộ phim.
Trong đó, nữ diễn viên Hải Yến đã lột xác vào vai cô Phượng một cách xuất sắc. Bộ phim đầy tính chân thực và nhân bản, xuất phát từ tư tưởng phản chiến tiến bộ của nhà văn Graham Greene đã được đông đảo công chúng đón nhận.
Với tiểu thuyết The quiet American, nhà văn Graham được coi là người viết về chiến tranh Việt Nam ấn tượng nhất. Cho đến thời điểm này chưa ai vượt được ông để đưa được câu chuyện về cuộc chiến thấm đẫm nước mắt và máu ở Đông Dương vào tiểu thuyết một cách sâu sắc như thế.
Graham và những cuộc tình
Graham Green đã lưu lại khách sạn Metropole trong lần đầu tiên đến Hà Nội vào năm 1951 để viết cuốn sách về chiến tranh Việt Nam và câu chuyện tình tay ba giữa cô gái tên Phượng với một ký giả người Anh và một nhân viên Viện trợ kinh tế Hoa Kỳ, hai nhân vật này cùng sống ở Sài Gòn năm 1952. Cuộc tình rối rắm được mô tả một cách chân thực, đầy uẩn khúc, bí ẩn khiến người ta liên tưởng đến những mối tình rối như tơ vò trong cuộc đời ông.
Graham duy trì đời sống hôn nhân trong vòng 20 năm nhưng những cuộc tình của ông thì không đếm xuể. Năm 1925, khi mới 21 tuổi, Graham phải lòng cô gái xinh đẹp theo Thiên chúa giáo La Mã tên Vivienne Dayrell- Browning. Graham mất tới hai năm và hàng trăm lá thư tình mùi mẫn mới chinh phục được cô gái, sau đó phải cải đạo để cô chấp nhận lời cầu hôn năm 1927. Nhưng cách nhìn nghiêm khắc về tình dục của Vivienne lúc này mới gây nên những bất đồng với Graham vốn sống bản năng với nhu cầu. Cuối cùng, họ ly dị năm 1947.
Nhưng ngay từ năm 1938, Graham đã bắt đầu quan hệ với Dorothy Glover, một nhà thiết kế trang phục sân khấu. Đến thập kỷ 50, ông lại phải lòng nữ diễn viên người Thụy Điển Anita. Trong thời gian qua lại với Anita, ông đồng thời cũng có quan hệ với Catherine Walston.
Thời gian này, Graham viết tặng Catherine cuốn tiểu thuyết “Đoạn cuối của cuộc tình”, dựa trên mối tình tay ba giữa Greene, Catherine và chồng cô. Đầu những năm 1960, Graham chuyển sang Pháp và cũng chấm dứt chuyện tình với Walston, ông lại mê mẩn một người phụ nữ tên là Yvonne Cloetta và mối tình này kéo dài trong suốt hơn 30 năm còn lại.
|
Nhà văn Graham Greene thời trai trẻ và khi đã về già. |
“Phòng Graham Greene” giữa lòng Hà Nội
Năm 1951, lần đầu tiên bước chân đến Hà Nội, Graham đã ở trong căn phòng suite (phòng hạng sang) trên tầng 3 của khách sạn Metropole. Căn phòng nơi ông từng ở khi lần đầu đặt chân đến Hà Nội bây giờ được đặt tên là Phòng Graham.
Nhà văn từng ở trong căn phòng có diện tích gần gấp đôi phòng tiêu chuẩn, kiến trúc hài hoà trong tổng thể toà nhà kiểu Pháp, phòng được trang trí tao nhã bằng những họa tiết phương Đông lịch lãm; từ chiếc quạt trần kiểu cổ, đèn trang trí bằng sứ Bát Tràng, bộ sưu tập những bức ảnh Hà Nội cổ đến chiếc điện thoại cổ điển thời Pháp thuộc... Sàn gỗ lim nâu bóng màu thời gian như còn in dấu bước chân của nhà văn lỗi lạc Graham.
|
|
Căn phòng nhà văn từng ở khi đến Việt Nam để viết cuốn tiểu thuyết "Người Mỹ trầm lặng". |
Nằm ở toà nhà cổ Metropole wing, phòng Graham được thiết kế có riêng một phòng nhỏ để tiếp khách với thiết kế trang nhã, sang trọng, gam mầu trầm đi từ kem đến vàng và nâu cánh gián. Bộ ghế xô pha êm ái tạo cảm giác thư giãn lý tưởng.
Không ít thương nhân giàu có, những người nổi tiếng thế giới khi đến Hà Nội đều muốn ở trong căn phòng nơi nhà văn lỗi lạc từng ở. Những vị khách yêu mến văn chương này cũng phóng tầm mắt ngắm nhìn quang cảnh thanh bình của khu Pháp cổ lúc chiều tà qua cánh cửa sổ sơn xanh mở rộng, như tầm mắt của Graham từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Khi màn đêm buông xuống, phòng ngủ Graham trở nên ấm cúng trong ánh sáng vàng và chiếc đệm mềm mại như nhung.
Những giây phút bước qua tiền sảnh khách sạn trong sự ngưỡng mộ của thế giới xung quanh; đặt chân đến một thế giới đẳng cấp quý tộc mà không phải ai muốn vào cũng được. Mỗi phút, mỗi yêu cầu tưởng chừng nhỏ nhất luôn được đáp ứng ngay tức khắc khiến các vị khách không phải vướng bận điều gì.
|
Vườn hoa cổ cạnh khách sạn Metropole, nơi nhà văn từng dạo năm 1951. (Ảnh: LT) |
Những chiếc xe BMW đời mới nhất tại Việt Nam hay hai chiếc xe Citroen cổ lịch lãm, đặc trưng của một Hà Nội xa xưa những năm 1930 dường như luôn gợi cho ta nhớ về những ngày tháng nhà văn Graham đặt chân đến Hà Nội, sau đó năm 1952 ông vào Sài gòn sống mấy tháng ở Hotel Continental. Cuốn tiểu thuyết lừng danh “The quiet American” ra đời sau chuyến phiêu du đến xứ sở nhiệt đới năm ấy.
Theo Giadinh .net