Ông Phạm Ngọc Sơn – Phó Tổng Giám đốc Sea Saigon cho PV báo Tiền Phong biết: “Ngày 22-11 tàu Cần Giờ về đến Nha Trang và xuống hàng cho Công ty Huyndai Vinashin. Theo đúng lịch trình, trưa 25-11 tàu Cần Giờ sẽ cập cảng tại Nhà máy công nghiệp sửa chữa tàu biển Sài Gòn (Quận 7, TP Hồ Chí Minh). Sau đó, tàu Cần Giờ sẽ được sửa chữa sau hơn 1 năm bị bắt giữ. Sea Saigon đang tiến hành các thủ tục cần thiết để kiện Công ty Mohamed Enterprises ra tòa kinh tế với số tiền 1,1 triệu USD gồm tiền bến bãi, xăng dầu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, số tiền phải nộp cho tòa cũng rất lớn, khoảng 55.000 USD”.
Ngày 27-7-2004, tàu Cần Giờ bị Công ty Mohamed Enterprises có đơn yêu cầu tòa Tazania bắt giữ tàu vì theo họ trước đó 6 năm có liên quan đến một vụ kiện hợp đồng gạo. Sea Saigon đã kiên trì theo kiện và ngày 10-8, tàu Cần Giờ được tòa phúc thẩm Tanzania phán quyết bãi bỏ lệnh bắt giữ tàu, sau hơn 1 năm bị bắt giữ làm con tin.
Ngày 20-8-2005, tàu Cần Giờ nhổ neo về nước với 11 người, trong đó có 5 người bị bắt giữ cùng tàu. Theo lãnh đạo Sea Saigon thì ngay sau khi tàu Cần Giờ bị bắt, thuyền trưởng Lê Thanh Chương (do Sea Saigon thuê của Inlasco Hải Phòng) đã trở về nước cùng 5 thủy thủ khác. Chỉ còn 5 người trụ lại cùng con tàu bị bắt. Chính vì thế, sau khi vụ kiện thắng lợi, tàu Cần Giờ được trở về, Sea Saigon đã đưa thuyền trưởng Lê Vinh Phan (41 tuổi, là Phó trưởng khoa Hàng Hải, trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh) cùng 5 thủy thủ khác sang Tanzania để đưa tàu về nước.
Theo tính toán, riêng tiền dầu từ Tanzania về Việt Nam cũng đã chi phí hết 100.000 USD. Trên đường về, tàu Cần Giờ đã ghé lại Singapore chở xỉ đồng về Việt Nam cho Công ty Huyndai Vinashin trị giá 28.000 USD. Tuy nhiên, những chi phí này cũng không thấm vào đâu so với những chi phí mà tàu Cần Giờ phải chịu trong hơn 1 năm qua, chưa tính đến việc 11 thủy thủ đoàn phải sống trong đói khát, xa Tổ quốc.
|