Tháo gỡ khó khăn khi nhập hộ khẩu về Hà Nội
Các Website khác - 23/11/2005
Sau năm ngày thực hiện Nghị định của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ khẩu (từ ngày 15 đến 21-11, trừ hai ngày nghỉ), Công an Hà Nội đã nhận 90 hồ sơ, những người trong diện KT3, có đủ thủ tục được nhập hộ khẩu về Hà Nội, còn lại hàng nghìn trường hợp người dân chủ yếu chưa đủ thủ tục, hoặc đến tìm hiểu thủ tục đăng ký... Xem ra, con số những người được nhận hồ sơ quá khiêm tốn so với rất nhiều người đang mỏi mắt chờ mong.
KT3 là những người ngoại tỉnh về Hà Nội làm ăn sinh sống ổn định, không phải những người làm ăn theo thời vụ lúc nông nhàn. Như vậy, có đến hàng vạn người các tỉnh khác đang sinh sống làm ăn tại Hà Nội. Nghị định 108 được sửa đổi, bổ sung từ Nghị định 51/CP năm 1997, sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho nhiều người đã sinh sống làm ăn nhiều năm ở Hà Nội được nhập hộ khẩu. Về tinh thần của nghị định là vậy, nhưng khi đưa vào thực hiện đã gặp nhiều khúc mắc từ phía các cơ quan công quyền.

Tại Ðội quản lý hành chính Công an quận Ðống Ða, chúng tôi gặp anh Ðỗ Văn Ðịnh, quê ở Nam Ðịnh, hiện là cán bộ Ðại học Thủy lợi Hà Nội. Vợ chồng anh và hai con đã sinh sống ở Hà Nội có dư mười năm, nhưng chưa được nhập hộ khẩu về phường Kim Liên. Anh bảo: "Chúng tôi muốn được nhập hộ khẩu để có cuộc sống ổn định, chứ không thể lênh bênh thế này mãi". Khổ nhất là hai cháu con anh, muốn xin học được ở Hà Nội, phải chạy chọt, cạy cục người quen. Nay có nghị định mới hy vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc về vấn đề hộ khẩu nhiều năm nay đối với gia đình anh. Thế nhưng, cũng như những lần trước, lần này hồ sơ của anh vẫn không được chấp nhận. Nguyên nhân: nhà của anh chưa hợp pháp. Theo giải thích của cán bộ hộ khẩu, anh cần ra UBND phường xác nhận tình trạng nhà của anh đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp, hoặc không lấn chiếm, không nằm trong khu vực quy hoạch thì mới đủ thủ tục. Nhưng theo lời anh Ðịnh, anh đã ra UBND phường nhưng không được xác nhận. Anh bức xúc nói: "Lần này tôi sẽ ra Ủy ban, nếu không xác nhận thì đề rõ vào giấy này, rồi muốn đi đến đâu tôi cũng đi, phải làm cho ra nhẽ".

Trung tá Bùi Văn Ðại, Phó Trưởng Công an quận Ðống Ða, cho biết: Qua sáu ngày thực hiện, quận Ðống Ða mới chỉ tiếp nhận được 11 hồ sơ hợp lệ, do hầu hết đều vướng mắc về thủ tục nhà ở chưa hợp pháp.

Tại Công an quận Long Biên, 34 trường hợp KT3 được tiếp nhận hồ sơ nhập hộ khẩu, tôi gặp chị Nguyễn Thị Thơm, ở khu phố 5, phường Ðức Giang, đang nhận lại hồ sơ để về bổ sung. Chị đã cắt hộ khẩu tại Hà Nội vào Thanh Hóa gần 20 năm nay. Từ năm 1990, chị mua đất làm nhà ở phường Ðức Giang, giấy tờ mang tên mẹ chị. Như vậy giấy tờ nhà của chị chưa hợp lệ, ngoài ra thời gian theo Sổ đăng ký tạm trú có thời hạn của chị do công an phường cấp bắt đầu từ năm 2003, cũng chưa đủ ba năm theo quy định. Chị cho biết, từ năm 2001, tôi đã về sinh sống tại phường Ðức Giang. Nhưng hằng năm chỉ được cảnh sát khu vực phát một tờ khai báo tạm trú. Cho đến năm 2003, chị mới được cấp Sổ tạm trú có thời hạn. Nếu tính từ năm 2001, chị đã thừa thời gian. Về trường hợp này, Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng, Ðội phó Ðội quản lý hành chính quận Long Biên, cho biết: "Chúng tôi sẽ xác minh lại thời gian chị Thơm bắt đầu về sinh sống tại phường Ðức Giang. Nếu đúng như lời chị Thơm, chúng tôi sẽ hướng dẫn chị làm thủ tục chuyển nhượng nhà mẹ cho con gái và tạo mọi điều kiện để chị được nhập hộ khẩu". Cũng theo lời Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng, với tinh thần phục vụ và tạo điều kiện giúp nhân dân, trường hợp những người đến làm thủ tục nhập hộ khẩu tính về thời gian, nếu thiếu vài tháng công an quận vẫn nhận hồ sơ. Bởi theo anh, việc xét duyệt ở thành phố cũng không thể làm trong dăm bữa, nửa tháng. Tuy nhiên, qua thực tế làm thủ tục đăng ký hộ khẩu chung trong thành phố và quận Long Biên cho thấy, vướng mắc chủ yếu vẫn là khâu xác nhận nhà có hợp pháp hay không theo quy định của Nghị định 108/CP. Ðã diễn ra tình trạng có tới gần 70% số giấy tờ nhà không được UBND các phường, xã xác nhận, hoặc né tránh đùn đẩy cho tổ dân phố chỉ xác nhận chữ ký của tổ trưởng, tổ phó dân phố về tình trạng nhà hợp pháp, không hợp pháp. Ngoài ra còn có khó khăn nữa, theo Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng là khoản 3, Ðiều 11 của Nghị định 108/CP chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng nhiều người ngộ nhận về vấn đề nhà ở. Không ít người hiểu rằng chưa có nhà ở, thì có thể nhập hộ khẩu vào bất kỳ nhà người quen, bạn bè, miễn là chủ hộ đồng ý. Thực tế, nếu đọc kỹ khoản c, g, d, Ðiều 12 của nghị định sẽ thấy chỉ những trường hợp diện KT3 nếu có người thân, họ hàng ruột thịt sống ở thành phố, có nhà ở hợp pháp, mới được phép nhập hộ khẩu đến đây. Ðây là điều rất khó cho cán bộ công an làm công tác đăng ký hộ khẩu.

Có lẽ đây là khó khăn chung tại nhiều điểm đăng ký hộ khẩu khi thực hiện Nghị định 108/CP. Song theo Trung tá Ngô Chí Cường, Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ, về cơ bản muốn thực hiện được Nghị định 108/CP, điểm mấu chốt là UBND các phường phải vào cuộc. Ngoài ra, thành phố, quận, huyện, các ban dự án phải công khai và sớm công bố quy hoạch giúp các cơ quan chức năng có sự phối hợp đồng bộ trong thực hiện. Ðể tháo gỡ vướng mắc trong công tác này, ngày 21-11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ra Chỉ thị về việc triển khai thực hiện Nghị định số 108/CP của Chính phủ. Theo đó, ngoài lực lượng chức năng như Công an thành phố, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ... phối hợp thực hiện nghị định trên, thì UBND các quận, huyện, phải chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn xác nhận cho công dân (kể cả người tỉnh ngoài) mua bán, cho, tặng, thừa kế nhà, đất trên địa bàn về tình trạng nhà ở, đất ở đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp, không lấn chiếm, không nằm trong diện quy hoạch... nhằm phục vụ công tác đăng ký hộ khẩu cho nhân khẩu KT2, KT3 được thuận lợi. Mong rằng chỉ thị này sớm đi vào cuộc sống.

* Những ngày vừa qua, công an các địa phương đã tổ chức hướng dẫn nhân dân làm các thủ tục để nhập hộ khẩu. Một số lượng lớn người dân đến trụ sở công an quận, huyện và công an thành phố, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, gây tình trạng quá tải. Trong khi đó, rất nhiều hồ sơ mang đến chưa đầy đủ, nhất là việc xác nhận của UBND cấp phường, xã về điều kiện nhà ở, cho nên nhiều người phải chờ đợi, đi lại nhiều lần, gây phiền hà cho dân.

Ðể giải quyết tình trạng này, ngày 22-11, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Công an đã có văn bản gửi Giám đốc Công an các địa phương yêu cầu tăng cường cán bộ làm công tác tiếp dân, tập trung ở các địa bàn trọng điểm, để bảo đảm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký hộ khẩu, không để công dân phải chờ đợi, đi lại nhiều lần. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai, rộng rãi điều kiện, thủ tục để mọi người dân hiểu, thực hiện các quy định về đăng ký hộ khẩu và tạo điều kiện giúp đỡ, giám sát cơ quan công an trong quá trình thực hiện. Tham mưu, đề xuất UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo UBND cấp phường, xã, thị trấn xác nhận về nhà ở hợp pháp để tạo điều kiện cho nhân dân có đủ hồ sơ đăng ký hộ khẩu thường trú.

 LÊ PHƯƠNG HIÊN và QN