Syria đứng sau vụ ám sát Thủ tướng Lebanon
Các Website khác - 19/12/2005
Syria đứng sau vụ ám sát Thủ tướng Lebanon

Ông Detlev Mehlis - Trưởng nhóm điều tra của LHQ về vụ sát hại cựu Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri - hôm 17.12 khẳng định ông tin chắc Syria đứng đằng sau vụ việc này.

Người dân Lebanon thương tiếc nhà
báo chống Syria Gibran Tueni.
Đây là lần đầu tiên, người đứng đầu nhóm điều tra của LHQ có một cáo buộc thẳng thừng như vậy, kể từ khi cuộc điều tra được mở màn tháng 6 vừa qua. Trả lời câu hỏi của tờ Asharq al-Awsat (Saudi Arabia) đóng trụ sở tại London: "Ông có tin chắc là Syria đứng sau vụ này không?", ông Mehlis đáp ngay: "Có". Khi được hỏi tiếp: "Liệu ông có cáo buộc trực tiếp chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad không?", ông Mehlis từ chối trả lời và lảng tránh: "Hãy để cho chính quyền Syria nói".

Theo ông Mehlis, báo cáo mà ông nhận được tuần trước có nhiều bằng chứng mới khiến ông tin chắc Syria và tình báo Lebanon nhúng tay vào vụ đánh bom khiến ông Hariri và 20 người khác thiệt mạng ở Beirut hôm 14.2. Báo cáo này còn liệt kê danh sách 19 nghi phạm, trong đó có 6 quan chức cấp cao Syria.

Ông Mehlis cho biết kể từ đó đến nay, nhiều vụ đánh bom đã xảy ra tại Lebanon và nhiều nhân vật chống Syria đã bị ám sát, mới đây nhất là nhà báo kiêm nghị sĩ Gibran Tueni. Ông Mehlis khẳng định, các vụ việc trên đều có liên quan tới nhau.

Cho tới thời điểm hiện nay, Syria vẫn bác bỏ việc có dính líu đến âm mưu này. Trước khi những cáo buộc của ông Mehlis được công bố, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết gia hạn điều tra về vụ sát hại ông Hariri thêm 6 tháng nữa. Chính quyền Syria hôm 17.12 đã hoan nghênh quyết định này. Trong nghị quyết, các thành viên thường trực của HĐBA là Nga, Trung Quốc đã bác bỏ yêu cầu của Lebanon thành lập một toà án quốc tế để xét xử những người có liên quan đến vụ ám sát. Báo chí Syria dẫn các nguồn tin chính phủ gọi Nghị quyết số 1644 này là "công bằng" và nhấn mạnh chính quyền Damascus cam kết sẽ hợp tác đầy đủ với nhóm điều tra do ông Mehlis đứng đầu.

Vụ sát hại ông Hariri đã thổi bùng lên hàng loạt cuộc biểu tình chống Syria ở Lebanon. Bên cạnh đó, sức ép của quốc tế cũng buộc Damascus phải rút quân khỏi Lebanon vài tháng sau đó, chấm dứt gần 3 thập niên hiện diện quân sự của Syria tại đây. C.T (Theo AP)